Nhịp sống

Xe môtô PKL được chạy 373 km chiều dài cao tốc ở Việt Nam

Trước mắt, sẽ có 3 đường cao tốc được thí điểm cho xe môtô phân khối lớn (PKL) chạy cùng ôtô với tổng chiều dài 373km/ tổng 700km đường cao tốc hiện có.

Xe môtô PKL được chạy 373 km chiều dài cao tốc ở Việt Nam  ảnh 1 Ảnh đoàn môtô diễu hành mừng khai thông tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Anh Quân/TBKTSG

Theo ý kiến của Bộ trường Đinh La Thăng về vấn đề thí điểm cho xe môtô phân khối lớn đi vào đường cao tốc trong cuộc họp của bộ này hôm 13/5, trước mắt sẽ chỉ có 3 đường cao tốc được cho vào danh sách. Vấn đề khi nào được phép chạy chỉ còn là thời gian ra văn bản chính thức.

Hiện nay, cả nước có tất cả 576 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Cuối năm nay, hai dự án Hà Nội - Hải Phòng và Lào Cai - cửa khẩu Kim Thành hoàn thành, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc lên 700 km. Trong đó, 3 đường cao tốc thí điểm cho môtô chạy là Hà Nội – Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương có tổng chiều dài 373 km.

Cao tốc Hà Nội – Lào Cai: 256 km

Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai dài 265 km có điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đường cao tốc này là một phần của đường Xuyên Á AH14.

Xe môtô PKL được chạy 373 km chiều dài cao tốc ở Việt Nam  ảnh 2

Dự án này khởi công từ quý 3 năm 2008 và hoàn thành vào ngày 21/9/2014. Theo thiết kế, đoạn Hà Nội – Yên Bái có 4 làn xe cho phép đạt vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h; đoạn Yên Bái – Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối đa 80 km/h.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: 55 km

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam. Đường cao tốc này nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Hòa, thuộc Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Xe môtô PKL được chạy 373 km chiều dài cao tốc ở Việt Nam  ảnh 3 Ảnh Zing

Dự án đường cao tốc được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 10, 2009 với quy mô 4–8 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Sau khi thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2/2015, đường cao tốc này có tốc độ tối đa từ 80 đến 120 km/h.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương: 61,9 km

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đây là một phần của tuyến Đường cao tốc Bắc - Nam. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương có điểm đầu tuyến là nút giao thông Chợ Đệm, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm cuối là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (km 50) huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Xe môtô PKL được chạy 373 km chiều dài cao tốc ở Việt Nam  ảnh 4

Ngày 16/12/2004, tại huyện Bến Lức (Long An), Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên của miền Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Đến năm 2010, tuyến đường đã được đưa vào sử dụng toàn tuyến với tổng chiều dài 61,9 km, vận tốc thiết kế tối đa 120 km/giờ, có tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đưa vào khai thác tạm thời với 8 làn xe ô tô.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/xe-moto-pkl-duoc-chay-373-km-chieu-dai-cao-toc-o-viet-nam