Xe mới

Chiếc xe cứu hỏa này có gì đặc biệt mà được “thét giá” lên tới gần 26 tỷ?

Có đầy đủ các tính năng như một chiếc xe cứu hoả bình thường, nhưng Rosenbauer CFT lại được trang bị hệ động lực khác biệt.

Ở kỷ nguyên của động cơ điện, bất cứ phương tiện nào cũng có thể được phát triển với công nghệ này. Xe cứu hỏa cũng không phải là ngoại lệ. Rosenbauer là một ông lớn trong lĩnh vực thiết bị và phương tiện chữa cháy đến từ Áo. Vào năm 2016, công ty này từng giới thiệu một mẫu xe cứu hỏa EV dạng nguyên mẫu có tên Concept Fire Truck (gọi tắt là CFT).

Sau 3 năm, chiếc xe này cuối cùng cũng đã tìm được khách hàng. Đó là cơ quan phòng cháy chữa cháy của Menlo Park – một thành phố nằm ở vịnh San Francisco. Vậy sản phẩm này có gì đáng để các sở cứu hoả trên Thế giới lựa chọn?

Chiếc xe cứu hỏa này có gì đặc biệt mà được “thét giá” lên tới gần 26 tỷ? ảnh 1 Nhà sản xuất tuyên bố rằng CFT được thiết kế để đảm bảo sự an toàn, hiệu năng và sự linh hoạt trong di chuyển nhưng cũng dễ dàng trong vận hành. Là một chiếc xe cứu hộ khẩn cấp, CFT tất nhiên là phải có khả năng di chuyển nhanh chóng để có mặt ở hiện trường và khắc phục sự cố kịp thời. Với trọng lượng lên tới 18 tấn, CFT được trang bị cặp mô-tơ điện phân bố ở hai cầu. Hệ thống này sản sinh công suất hơn 240 mã lực và 425Nm mô-men xoắn.   Chiếc xe cứu hỏa này có gì đặc biệt mà được “thét giá” lên tới gần 26 tỷ? ảnh 2 Cũng theo chia sẻ từ Rosenbauer, sự cơ động, khả năng xử lý linh hoạt của CFT một phần đến từ trọng tâm thấp hơn tới 20cm so với một chiếc xe cứu hỏa thông thường. Ngoài ra, tỷ lệ phân bổ trọng lượng trước/sau của CFT cũng đạt mức lý tưởng 50:50. Chưa hết, công ty này còn cho biết chiếc xe cứu hỏa chạy điện của họ có thể chuyển làn một cách mượt mà ở vận tốc 70km/h. Khả năng di chuyển của CFT đã được kiểm chứng trên đường đua. Chiếc xe cứu hỏa này có gì đặc biệt mà được “thét giá” lên tới gần 26 tỷ? ảnh 3 Được biết, chiếc xe này còn sở hữu một hệ thống máy phát điện chạy dầu diesel có vai trò gia tăng phạm vi di chuyển. Không những vậy, trong những trường hợp hoạt động cường độ cao và khiến pin cạn, đội ngũ vận hành có thể sử dụng cỗ máy nói trên để nạp lại năng lượng.  Không chỉ thân thiện với môi trường, chiếc xe chữa cháy này còn được khẳng định là sẽ giúp các đơn vị chủ quản tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Trong suốt thời gian hoạt động, CFT gần như chỉ chạy bằng điện, lên tới 90% thời lượng với cự ly di chuyển bình quân hàng năm vào khoảng 10.000km. Thế nhưng, giá bán của model này lại không hề rẻ.   Chiếc xe cứu hỏa này có gì đặc biệt mà được “thét giá” lên tới gần 26 tỷ? ảnh 4  Theo TopSpeed, chỉ riêng việc đặt hàng cũng đã tiêu tốn 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng). Chưa dừng lại ở đó, các đơn vị cứu hỏa có nhu cầu sẽ phải trả trước 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) sau lần gặp đầu tiên trước khi chiếc xe đi vào sản xuất. Tiếp đó là lần trả thứ 2 sau đợt kiểm tra cuối cùng tại nhà máy của Rosenbauer và trước khi chiếc xe thành phẩm được vận chuyển. Số tiền phải trả lúc này là 700.000 USD (hơn 16 tỷ đồng). Kết thúc là một lần thanh toán cuối cùng khi hàng đến nơi và được kiểm tra lần chót. TopSpeed cho biết mức giá chính thức cho một chiếc xe như CFT lên tới hơn 1,1 triệu USD (gần 26 tỷ đồng).  Nhưng theo một bài viết đăng tải trên tạp chí khoa học công nghệ Popular Mechanics, giá bán bình quân cho một chiếc xe cứu hỏa tương tự CFT nhưng sử dụng động cơ đốt trong cũng đã lên tới 500.000 USD. Tuy nhiên, số tiền này chưa phải là cuối cùng bởi chiếc xe khi đó mới chỉ ở dạng cơ bản, chưa được trang bị đầy đủ đồ nghề. Ở cấu hình hoàn thiện, mức giá đầy đủ rơi vào khoảng 1 triệu USD. Như vậy, so với những sản phẩm thông thường, Rosenbauer CFT nhìn chung là không quá chênh lệch về giá cả. Trong khi đó, nhờ sử dụng hệ thống động cơ điện, chi phí vận hành và bảo dưỡng của nó lại giúp các đơn vị chủ quản tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/chiec-xe-cuu-hoa-nay-co-gi-dac-biet-ma-duoc-thet-gia-len-toi-gan-26-ty