Nhịp sống

Liên tiếp báo nổ bình chữa cháy: tài xế bất an!

Kể từ khi bình chữa cháy có trên ôtô thành quy định bắt buộc, trên cả nước đã xuất hiện nhiều trường hợp báo bình chữa cháy phát nổ trong xe, từ xe bình dân cho tới xe sang như BMW.

Kể từ khi Thông tư 57 đi vào hiệu lực, các tài xế (nhất là taxi) đã chấp hành rất đầy đủ quy định mang theo bình chữa cháy trong xe

Thông tư 57 bắt buộc người dân sở hữu ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy đã đi vào cuộc sống từ 6/1/2016. Kể từ đó đến nay, câu chuyện lo lắng về sự an toàn cháy nổ đã xôn xao và xuất hiện những thông báo nổ bình chữa cháy càng khiến người dân bất an.

Chiều 16/1 ôtô 4 chỗ của anh Ngô Hiếu Thuận (xã Song Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang) đang đậu trong sân nhà thì bình chữa cháy mini để trong xe phát nổ, gây hư hỏng cửa xe, thùng loa. Riêng bình chữa cháy bay xuyên trần nhà, xé toạc mái tôn cao vài mét.

Bình chữa cháy nổ làm thủng mái tôn chỗ để xe của anh Thuận. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Khí hậu nắng nóng ở miền Nam như trường hợp trên là có thể phán đoán sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ bình cứu hỏa để trong ôtô. Tuy nhiên lại có trường hợp ngược lại. Đêm 17/1, khi đang di chuyển từ Nguyễn Chí Thanh sang Lê Văn Lương, anh Nguyễn Hoàng Hải, ở quận Ba Đình (Hà Nội) bất ngờ thấy tiếng nổ nhỏ khiến xe BMW bị rung. Dừng lại mở cốp xe, anh Hải phát hiện chiếc bình cứu hỏa mini bị nổ và bọt trắng bắn tung tóe. Rất may, vụ nổ không gây hư hại các bộ phận trong xe.

Bình chữa cháy trên xe BMW nổ bật tung phần nắp

Anh Kiên ở Ninh Bình thì chia sẻ về trường hợp của mình lên mạng xã hội. Vào chiều 20/5/2015, anh Kiên lấy xe từ cơ quan để về, đang lái xe thì chiếc bình cứu hoả gắn gần kính chắn gió phía sau phát nổ với âm thanh chát chúa. Sau một lúc hoàn hồn, anh Kiên kiểm tra thì thấy chiếc bình đã nổ văng phần nắp phụt, chỉ còn là thân bằng kim loại, chỗ vách gắn bình bị bật tung, dung dịch chữa cháy văng khắp kính và trên thảm, ghế da. Bình chữa cháy anh Kiên dùng là loại FireStop bán phổ biến trên thị trường với nhiều tem khác nhau. Giá của bình này từ 70.000 đồng đến 160.000 đồng.

Chiếc bình chữa cháy của anh Kiên sau khi phát nổ, dung dịch vẫn còn văng đầy trên da bọc ghế

Anh Vũ Xuân Trung (sinh năm 1972, lái xe taxi Vinataxi, Hà Nội) kể lại trường hợp bình chữa cháy để ở hàng ghế phụ phát nổ khiến nóc xe của anh bị móp và trần nỉ bị rách. Anh Trung đã phải bọc da lại nhưng vẫn không che hết được vết tích cũ. “Trong tháng 6/2015, tôi có đưa cả nhà đi biển và đóng cửa xe đỗ ngoài nắng. Khi mọi người tắm xong để ra về thì phát hiện không thấy bình chưa cháy đâu. Nhìn lên trần mới phát hiện ra vết rách và bình chữa cháy lăn lóc trong xe,” anh Trung nói.

Anh Trung vẫn còn ám ảnh bởi chiếc bình chữa cháy phát nổ cách đây 6 tháng, nhưng vẫn phải trang bị bình mới tại chỗ cũ do sợ bị phạt

Sau sự cố nhớ đời trên, anh Trung đã được khuyên là xả bớt bình chữa cháy cho an toàn. “Thực ra bình chữa cháy chỉ là biện pháp đối phó với công an, chứ chả có tác dụng. Nhà nước quy định thế nào thì chúng tôi là người làm ăn sẽ phải tuân thủ,” anh Trung chia sẻ.

Vết lồi trên nóc xe taxi do lực bắn của bình chữa cháy sau khi nổ

Bên trong, trần xe bị rách phần bọc nỉ. Để khắc phục, anh Trung đã đi bọc lại da nhưng vết tích cũ vẫn còn lồi lõm

Theo khuyến cáo của một số nhà sản xuất ôtô, bên trong ca-bin xe không nên cất chứa các bình khí, bình đựng dung dịch dễ cháy nổ. Do đó, về mặt an toàn thì việc để bình chữa cháy ở ngay trong khoang hành khách là không nên.

Clip tài xế Trung kể về tai nạn nổ bình chữa cháy trên xe của mình

Với khí hậu Việt Nam nhất là vào mùa hè, nắng nóng, đậu xe dưới trời nắng hơn 40 độ C, thì nhiệt độ bên trong xe có thể lên tới 60 độ C. Đặc biệt, bảng táp-lô trên xe hoặc kệ dưới kính sau làm bằng vật liệu nhựa hoặc da sẽ hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ mặt trời, nên nhiệt độ vùng này thường xuyên vào khoảng từ 70 đến 80 độ C, cao hơn nhiều so với ngưỡng các bình chữa cháy chịu được. Do đó, những vị trí này tuyệt đối cần tránh để bình chữa cháy.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/lien-tiep-bao-no-binh-chua-chay-tai-xe-bat-an