Nhịp sống

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe "hàng thửa - coachbuilding"

Với sự ra mắt chiếc La Voiture Noire, Bugatti đã quay trở lại với truyền thống chế tác thân xe (coachbuilding) - kỹ nghệ giúp hãng tạo ra những siêu phẩm trong quá khứ.

Được thành lập kể từ năm 1909, tên tuổi của Bugatti luôn gắn liền với những kiệt tác xe hơi hội tụ vẻ đẹp, sự xa xỉ và sức mạnh mà không chiếc xe nào làm được. Bản thân người sáng lập thương hiệu này – Ettore Bugatti cũng đã tuyên bố: “Nếu có thể so sánh với bất kỳ thứ gì thì đó không phải là một chiếc xe Bugatti.” Một trong những yếu tố làm nên thành công của hãng siêu xe nước Pháp chính là nghệ thuật chế tác thân xe (coachbuilding).

Theo Chủ tịch đương thời của thương hiệu này - Stephan Winkelmann, coachbuilding đồng nghĩa với sự độc đáo, những chiếc xe được tùy biến theo ‘khẩu vị’ của khách hàng. Tuy nhiên, truyền thống này đã gần như rơi vào quên lãng. 

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe

Vào đầu thế kỷ trước, các thương hiệu xe hơi như Bugatti có thể phát triển và sản xuất những chiếc xe có hoặc không có bộ vỏ bên ngoài, dựa trên yêu cầu của khách hàng. Không những vậy, họ cũng thường xuyên tạo nên những sản phẩm độc nhất (one-off) dành riêng cho những vị ‘thượng đế đáng kính’. Và có rất nhiều tên tuổi đã nổi lên nhờ những chiếc Bugatti đặc biệt - có thể kể tới Gangloff, Corsica, Coachworks, Weymann hay Weinberger… Cùng với những công ty vừa nêu, Bugatti cũng thường xuyên cho ra mắt những độc phẩm của riêng mình. 

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe

Đến đầu thập niên 1920, hãng này bắt đầu tập trung vào khía cạnh công nghệ, trong đó có động cơ và các bộ phận truyền động. Không những vậy, những chiếc xe đã được thiết kế theo hướng tối giản và thực dụng để gặt hái nhiều thành công hơn trên đường đua. Phải mãi đến năm 1923, bộ phận chuyên về thân xe của Bugatti mới được thành lập tại Molsheim thuộc vùng Alsace – nay là Grand Est nằm ở phía Đông Bắc nước Pháp.

Trong tâm niệm của Ettore, một chiếc xe chỉ trở nên hoàn hảo khi nó không còn thiếu sót về mặt thẩm mỹ. Chính vĩ lẽ đó, con trai ông là Jean Bugatti đã kế thừa tư tưởng của cha mình và ngày càng chú trọng hơn vào thiết kế thân xe. Từ đó, vai trò của thành tố này đã được nâng cao rõ rệt tại Bugatti. 

Jean Bugatti và những biểu tượng thiết kế

Bằng tài năng của mình, Jean đã tạo nên không ít bản thiết kế đầy lôi cuốn với sự cân đối và những đường nét mềm mại. Ở tuổi 23, ông đã cho ra mắt bộ cánh roadster tuyệt đẹp dành cho chiếc Type 41 Royale theo đơn đặt hàng của Armand Esders – một ông chủ doanh nghiệp dệt may ở thời kỳ đó. Ngày nay, tuyệt phẩm này được gọi bằng cái tên Royale Esders. Do vị khách này chỉ muốn vi vu cùng chiếc xe vào ban ngày nên cụm đèn pha đã bị loại bỏ. Và điều đó đã giúp tôn thêm vẻ tráng lệ của mẫu xe mui trần hạng sang này. Ngoài ra, Jean còn là tác giả của Coupe Napoleon – chiếc Type 41 Royale mang số hiệu khung gầm 41100. 

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe Bugatti Type 41 Royale Esders   Ettore Bugatti đã từng nói rằng: “Hoàn hảo là điều không thể đạt được. Tuy nhiên, Royale cần phải tiệm cận tới sự hoàn hảo của siêu xe thể thao.” Theo thống kê, đã có tổng cộng 6 chiếc Royale được sản xuất và mỗi chiếc lại sở hữu những bộ bodykit riêng. Điểm chung của chúng là đều được trang bị khối động cơ 8 xi-lanh thẳng hàng với dung tích 12,8 lít, sản sinh công suất khoảng 300 mã lực. Đây là cỗ máy mạnh mẽ và vận hành yên tĩnh nhất khi ra mắt lúc bấy giờ. “Ngay ở thời điểm đó, Bugatti đã được biết tới với vị thế dẫn đầu về chất lượng, hiệu năng và sự độc đáo. Đặc điểm này vẫn được lưu giữ cho tới ngày này.” – Stephan Winkelmann. Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe  Bugatti Type 55

Không chỉ riêng Type 41, Jean Bugatti đã tiếp tục thể hiện sự sáng tạo của mình trên các model khác như Type 46, Type 50 và Type 55. Tuy nhiên, đỉnh cao trong sự nghiệp của ông có lẽ là những chiếc Type 57. Model này được tạo ra với rất nhiều biến thể khác nhau, tương ứng với đó là những khác biệt về động cơ cũng như thiết kế. Có thể kể đến bản sedan 2 cửa Ventoux, sedan 4 cửa Galibier hay coupe Atalante. Trong vòng 6 năm (1934-1940), đã có khoảng 800 chiếc Type 57 được xuất xưởng, bao gồm cả phiên bản đường phố cũng như đường đua. 

Bugatti Type 57 SC Atlantic – Công trình thế kỷ

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe

Bugatti Type 57 SC Atlantic

Ngày nay, kiệt tác vĩ đại nhất của thương hiệu này có lẽ là Type 57 SC Atlantic, một biến thể của dòng Type 57. Đó là một chiếc coupe thể thao gây ấn tượng mạnh ở thiết kế với trái tim là cỗ máy có công suất hơn 200 mã lực. Một trong những chi tiết thiết kế đáng nhớ nhất trên siêu phẩm này chính là ‘đường phân giới’ chạy dọc từ nắp capo cho tới mặt sau cũng như những ‘đường may’ được tạo thành từ các mối đinh tán. Được biết chỉ có đúng 4 chiếc Type 57 SC Atlantic được tạo ra.

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe  Bugatti Type 57 Atalante

Tất cả đều là những tuyệt phẩm coachbuilding, nhưng không có chiếc nào giống chiếc nào. Trong số này, có một chiếc thuộc quyền sở hữu của Jean Bugatti, được biết đến dưới cái tên ‘La Voiture Noire’ (chiếc xe màu đen). Đáng tiếc là siêu phẩm này đã mất tích kể từ trước thế chiến II.

Bugatti và sự tiếp nối truyền thống chế tác thân xe coachbuilding

Để duy trì truyền thống của mình, hãng siêu xe nước Pháp đã trình làng mẫu hypercar tiếp theo mang tên Divo vào năm ngoái. Đây thực chất là một phiên bản cải tiến sâu của Bugatti Chiron với khả năng vào cua được tối ưu hơn. Ngay từ trước khi ra mắt chính thức, toàn bộ lô 40 chiếc Divo đều đã có chủ dù sở hữu giá bán lên tới 5 triệu EUR (hơn 13,1 tỷ đồng). 

Chủ tịch của thương hiệu này khẳng định: “Mọi chiếc Bugatti đều là những kiệt tác xe hơi vô song và được tùy biến cao độ. Với nghệ thuật chế tác thân xe, mọi thứ được nâng lên một tầm cao mới. Nhờ đó, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng những chiếc xe được cá nhân hóa hơn nữa – không chỉ độc nhất về mặt chất lượng hay kỹ thuật mà cả về thiết kế.”

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe

Tại triển lãm Geneva 2019 vừa diễn ra, Bugatti đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực coachbuilding với siêu xe one-off mang tên ‘La Voiture Noire’. Không chỉ là độc phẩm dành cho một tín đồ của Bugatti, đây còn là một sự tôn vinh đối với chiếc Type 57 SC Atlantic cùng tên của Jean Bugatti cũng như truyền thống chế tác thân xe của thương hiệu 110 năm tuổi.

Nhà sản xuất cho biết siêu phẩm này cũng được phát triển dựa trên nền tảng của Chiron. Trái tim của La Voiture Noire vẫn là khối động cơ W16 8.0 lít kết hợp với 4 bộ tăng áp cho công suất lên tới 1500 mã lực và 1600Nm mô-men xoắn. 

Bugatti giữ truyền thống nghệ thuật chế tác thân xe Bản vẽ của Type 57 SC Atlantic La Voiture Noire 

Theo công bố, Bugatti La Voiture Noire 2019 có giá bán lên tới 11 triệu EUR (gần 290 tỷ đồng) và trở thành mẫu xe có giá xuất xưởng cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chừng đó chưa thấm vào đâu so với số tiền lên tới 100 triệu EUR mà các chuyên gia định giá cho Type 57 SC Atlantic La Voiture Noire -  trong trường hợp chiếc xe này được tìm thấy và đem ra bán đấu giá. 

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/bugatti-giu-truyen-thong-nghe-thuat-che-tac-than-xe-hang-thua---coachbuilding