Nhịp sống

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III)

  Để quảng bá cho Bugatti trong thập niên 90, nhà tài phiệt Romano Artioli đã chịu chi tiền cho nhiều hoạt động khác nhau. Chính sự "chịu chơi" này đã khởi đầu cho đoạn kết của hãng.

Sự xuất hiện hoành tráng của Bugatti EB110:

Với tên gọi và ý nghĩa kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật của ngài Ettore Bugatti - người sáng lập ra hãng Bugatti, EB110 đã được Bugatti Automobili tổ chức một lễ ra mắt hoành tráng. Buổi lễ này có tên gọi Bugatti Expo Gala, diễn ra ở trước điện Versailles và công trình Grand Arche de la Defense vào ngày 15/9/1991 - đúng sinh nhật của Ettore Bugatti. Nhà tài phiệt Romano Artioli đã mạnh tay chi tiền cho toàn bộ các nhân viên của Bugatti lúc đó bay từ Ý tới Paris, Pháp để tham dự sự kiện này.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 1  Khoảnh khắc Bugatti EB110 lần đầu được công bố trước công chúng.

Người dẫn chương trình được lựa chọn là diễn viên nổi tiếng trong thập niên 60 của Thế kỷ XX Alain Delon - đồng thời là một nhà sưu tập Bugatti nổi tiếng. Cùng với vợ của ông Artioli là Renata Kettmeir, Alain Delon là những người đã trực tiếp vén màn công bố EB110 tại Bugatti Expo. Sau buổi lễ ra mắt, 3 chiếc EB110 đã diễu hành qua các địa điểm nổi tiếng tại Paris như Quảng trường Défense, Palace de La Concorde và Champs Elysées. Tới tối, 1.800 vị khách mời đã được dự một bữa đại tiệc tại điện Versailles và buổi sáng hôm sau, 2 chiếc EB110 thử ngiệm được đưa tới Molsheim - nơi Bugatti được thành lập.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 2 Michael Schumacher cùng các nhân viên Bugatti bên chiếc EB110SS.

Học hỏi từ đối thủ Ferrari, Romano Artioli muốn EB110 phải là một chiếc siêu xe độc quyền, không dành cho số đông. Ông đã đề xuất Bugatti Automobili phải là nhà phân phối duy nhất, bán xe trực tiếp tới khách hàng. Để sở hữu một chiếc EB110, những khách hàng tiềm năng sẽ được trực tiếp phỏng vấn để hãng xét duyệt xem họ có đủ điều kiện sở hữu hay không. Khi khách hàng nhận xe, toàn bộ đội ngũ nhân viên tham gia bàn giao sẽ phải đeo găng tay trắng, đồng thời một đội ngũ kỹ sư sẽ ở cùng chủ xe mới 1 tuần để hướng dẫn chi tiết cách sử dụng.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 3

Vào năm 1992, Bugatti đã giới thiệu phiên bản nâng cấp của EB110 với tên gọi Supersport, hay SS. Với phiên bản này, động cơ của xe đã được "mở khóa" thêm 50 mã lực và giảm thêm 150kg trọng lượng. Mức giảm này có được nhờ vào việc loại bỏ cánh đuôi chủ động để thay bằng cánh đuôi gắn cố định, thay các cửa kính bên và phía sau bằng nhựa plexiglass và loại bỏ nhiều trang bị tiện nghi ở phiên bản đầu tiên. Những cải tiến này đã giúp EB110SS từng giữ danh hiệu xe nhanh nhất Thế giới, khi chỉ mất 3,2 giây để đạt 0-100km/h trước khi chạm tốc độ tối đa gần 351km/h.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 4 Michael Schumacher bắt tay Romano Artioli trong lễ nhận xe.

Ngay sau khi ra mắt, EB110SS đã nhận được những phản hồi rất tích cực sau bài review của tạp chí Đức Auto Motor und Sport hồi năm 1994. Nhà vô địch F1 Michael Schumacher chính là người cầm lái, và bài báo này cũng so sánh trực tiếp các mẫu siêu xe nổi tiếng như Ferrari F40, Jaguar XJ220, Porsche 911 Turbo và Lamborghini Diablo với EB110SS. Cuối cùng, Schumacher đã quá ấn tượng với EB110SS, tới nỗi anh quyết định mua một chiếc.

Vào ngày 28/4/1994, Michael Schumacher đã tới trụ sở chính Bugatti tại Campogalliano, Ý để nhận chiếc EB110SS màu vàng tươi của anh, với số series #39020. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của công chúng, khiến cho tên tuổi của Bugatti Automobili càng trở nên nổi tiếng.

Tiếp tục mở rộng:

Do đã đầu tư quá nhiều vào việc hồi sinh thương hiệu, ban lãnh đạo của Bugatti biết chắc rằng công ty sẽ không thể "sống sót" chỉ dựa vào thành công của một mẫu xe tại thị trường châu Âu. Chính vì vậy, ông Artioli và các cộng sự đã bắt đầu xem xét tới việc phân bổ và đầu tư vốn của công ty một cách đa dạng hơn. Vào năm 1993, Artioli và vợ ông đã mở ra chi nhánh Ettore Bugatti SRL, tập trung sản xuất các vật phẩm thời trang cao cấp như túi xách, nước hoa, kính râm và đồng hồ.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 5 Một số sản phẩm thời trang mang thương hiệu Bugatti. 

Vào tháng 3/1993, Bugatti Automobili giới thiệu phiên bản ý tưởng đầu tiên về dòng xe thứ 2 của họ - chiếc sedan cao cấp EB112 do Giugiaro thiết kế. Mẫu siêu sedan này có đủ 4 cửa và được trang bị động cơ V12 6.0l kết hợp hộp số 6 cấp. Ban đầu EB112 được lên kế hoạch sản xuất vào tháng 9/1993, nhằm đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 12 của Ettore Bugatti. Tuy nhiên cuối cùng, thời điểm này đã được lùi sang năm 1996.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 6 Bugatti EB112 Concept.

Cũng trong mùa hè năm 1993, Bugatti đã mở rộng thị trường của EB110 bằng cách ra mắt chiếc xe tại Nhật Bản. 4 chiếc EB110 cùng với một chiếc concept EB112 đã được chuyển tới Nhật để phục vụ cho buổi ra mắt. Sau đó, cả 4 chiếc xe này đã được bán cho cách khách hàng ở xứ Phù Tang.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 7

Dù chiếc EB112 có vai trò tiên quyết đối với sự sinh tồn của Bugatti vẫn đang được phát triển, nhưng vào tháng 8/1993 ông Artioli vẫn tiếp tục bỏ tới 30 triệu Bảng Anh để mua lại hãng xe thể thao Lotus đang gặp khó khăn từ General Motors. Artioli đánh giá cao lịch sử của Lotus cùng các kỹ sư đang làm việc tại thương hiệu này, và cũng có ý định hồi sinh Lotus như đã từng làm với Bugatti.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 8 Romano Artioli, Elisa Artioli và chiếc Lotus Elise.

Quyết định của ông được coi là khá táo bạo khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều, và nó cũng đánh dấu những dấu hiệu suy yếu đầu tiên tù Bugatti. Romano Artioli giữ chức Chủ tịch Lotus từ năm 1993 tới 1996, sau đó bán lại thương hiệu này cho hãng Proton của Malaysia với giá 82,7 triệu USD vào thời điểm đó. Tuy nhiên trước khi bán đi Lotus, Romano Artioli đã kịp để lại dấu ấn với chiếc Lotus Elise - được đặt tên theo cháu gái ông là Elisa Artioli. Khá trớ trêu khi chính Elise là mẫu xe đã giúp cứu Lotus khỏi bờ vực phá sản.

Sự kết thúc về mặt tài chính cho Bugatti Automobili:

Phải tới năm 1995, Bugatti mới nhận ra những hậu quả của việc chi tiêu quá tay. Ông Jean-Marc Borel - Chủ tịch của Bugatti Automobili đã từng tính toán rằng hãng phải bán được 150 chiếc xe/năm mới có thể đủ hòa vốn và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên sau 4 năm kể từ khi quay lại thị trường, Bugatti chỉ bán được 139 chiếc EB110.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 9 Tòa nhà nghiên cứu và phát triển của Bugatti. Ảnh trái chụp năm 1993, phải năm 2014.

Do các tiêu chuẩn an toàn gắt gao của Chính phủ Mỹ, việc ra mắt EB110 tại thị trường này đã bị chậm vài năm, khiến cho công ty càng khó hòa vốn hơn. Đây là một sự thật đáng buồn khi Bugatti hoàn toàn không gặp vấn đề trong việc tìm kiếm đầu ra cho chiếc xe -  đã có 60 khách hàng Mỹ đặt cọc tổng số tiền 1,5 triệu USD để sở hữu EB110. Vào giữa năm 1995, Bugatti đã ở trong tình trạng khó khăn tài chính nhưng gần như mọi nhân viên vẫn nghĩ rằng mọi việc vẫn ổn. Hãng cũng đã từng cố gắng lên sàn chứng khoán, tuy nhiên kế hoạch này cũng bị hủy bỏ.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 10 Phòng làm việc của ông Romano Artioli. Trái: 1993, phải: 2014.

Kỹ sư Paolo Stanzani, một trong những người góp phần hồi sinh Bugatti nhận xét: "Artioli đã vung tiền bừa bãi vào những thứ vô dụng như nhà máy siêu hiện đại. Và những nhà cung cấp phụ tùng của chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng khi ông ấy bắt đầu mạnh miệng chê bai Ferrari". Vào tháng 8/1995, báo chí đã từng đưa tin đồn rằng 2 "hoàng tử Ấn Độ" đã tới Campogalliano để bàn với Romano Artioli về việc một lần nữa "cứu sống" Bugatti.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 11  Ông Romano Artioli đứng trong phòng hội thảo của Bugatti vào năm 1993 (trái) và căn phòng này vào năm 2014 (phải).

Những tin đồn này đã đem tới hy vọng cho những nhân viên của hãng, họ tin rằng các khoản nợ khổng lồ mà Bugatti đang nắm giữ sẽ được giải quyết vào ngày 20/9/1995. Tuy nhiên vào phút cuối, các nhà đầu tư này đã rút lui. Một số người nghi ngờ rằng các tin đồn này chỉ để nhằm trấn an những nhân viên và ban lãnh đạo của hãng, ngăn cho họ tìm cách kêu gọi đầu tư từ các nguồn khác.

Bugatti của người Ý: một đế chế hồi sinh và suy tàn (phần III) ảnh 12 Tầng cao nhất trong tòa nhà hình ống của Bugatti từng là nơi hội tụ các kỹ sư tài ba và hệ thống máy tính tối tân (trái), nay chỉ còn những chiếc thùng hứng nước mưa dột (phải).

Nỗ lực cuối cùng "cứu sống" Bugatti được đề xuất bởi doanh nhân người Florence Lisio Bartali cùng một nhóm giám đốc các thương hiệu thời trang. Họ tỏ ra hứng thú với tên tuổi của Bugatti và mối liên hệ với các món đồ thời trang xa xỉ do chi nhánh Ettore Bugatti SRL tạo ra. Tuy nhiên theo ông Bartali kể lại, Romano Artioli đã từ chối giao quyền quản trị của Bugatti International cho các nhà đầu tư và phải tới khi công ty bị tuyên bố phá sản, ông mới thay đổi ý định này. Trong khi đó, luật sư của Artioli lại nói rằng lời đề nghị của Bartali bị từ chối do vị này đã không thể bảo đảm số vốn đầu tư trước thời hạn cuối cùng.

Chỉ ít ngày trước khi quyết định phá sản xuất hiện, 2 quỹ đầu tư là La Fin First Group và Franklin Enterprise Limited đã bày tỏ quyết định muốn mua lại Bugatti. Tuy nhiên tòa án đã cho rằng những nỗ lực cuối cùng này không đáng tin cậy do được đưa ra quá muộn.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/bugatti-cua-nguoi-y-mot-de-che-hoi-sinh-va-suy-tan-phan-iii