Công nghệ

"Bóc tách" công nghệ T-Hybrid trên Porsche 911 GTS mới, khác gì so với E-Hybrid hiện có?

Sự khác biệt cơ bản giữa T-Hybrid và E-Hybrid nằm ở việc mô-tơ điện của hệ thống sau có thể dẫn động được xe. Tuy nhiên T-Hybrid trên Porsche 911 cũng có nhiều điểm khác các hệ thống hybrid thường.

Porsche 911 thế hệ 992 vốn đã được phát triển để đón nhận hệ thống hybrid, nhưng vào thời điểm ra mắt năm 2018, kỹ sư trưởng lúc đó là August Achleitner không tin rằng nó sẽ thành hiện thực. Ông từng nói:

 

“[Hệ thống hybrid] hiện không được lên kế hoạch cho phần thế hệ này; chúng tôi phải chờ vài năm [để xem] liệu nó có thực sự cần thiết từ quan điểm thị trường hay không, có thể là đối với một số quy định khí thải. Và tất nhiên chúng tôi sẽ không hài lòng với công nghệ pin ngày nay. Tất nhiên, chúng tôi có thể cung cấp nó ngay hôm nay, [hệ thống hybrid] chạy khá tốt, nhưng vẫn chưa đủ tốt cho chúng tôi.”

Hiện tại, chiếc 911 Hybrid đầu tiên đã được ra mắt. Áp lực từ các quy định về khí thải chặt chẽ hơn và công nghệ pin được cải tiến nhiều — cùng với nhu cầu ngày càng cấp bách về nâng cao hiệu suất — đã khiến Porsche phát triển hệ thống “T-Hybrid” mới, ra mắt trên 911 Carrera GTS 2025. Nó không giống bất kỳ hệ thống hybrid nào khác ngoài kia.

Các tiêu chuẩn khí thải đã hạn chế việc tăng tỷ lệ xăng ở vòng tua máy cao hay tải nặng. Các động cơ hiệu năng cao hiện đại sử dụng hỗn hợp nhiều nhiên liệu hơn so với khí nạp để tăng hiệu suất, nhưng phải trả giá bằng lượng khí thải. Nhưng điều này giờ đã ít khả thi hơn. Vì vậy, Porsche đã phát triển một hệ thống hybrid giúp tăng công suất 64 mã lực so với mẫu Carrera GTS cũ nhưng vẫn giữ cho động cơ hoạt động ở tỷ lệ không khí:nhiên liệu lý tưởng là 14,7:1 cho đến hết dải tua máy. (Porsche gọi điều kiện chạy này là Lambda = 1).

Toàn bộ hệ thống được vận hành nhờ một cục pin 1,9 kWh, 400 volt nằm dưới nắp ca-pô trước của chiếc 911 ở cùng vị trí với pin 12 volt trên chiếc 911 không hybrid. Nó chỉ nặng 27kg—không nặng hơn nhiều hơn so với ắc quy truyền thống có cùng kích thước. Ắc quy 12V thông thường được di chuyển đến một ngăn bên dưới kệ đựng đồ phía sau hàng ghế sau.

Từ pin, có hai thành phần hybrid chính, một động cơ kéo được gắn trong vỏ hộp số ly hợp kép 8 cấp và một mô-tơ quay tuốc bin bộ tăng áp đơn cho động cơ 6 xi-lanh nằm ngang 3.6 lít mới. Động cơ kéo cung cấp công suất lên tới 53,6 mã lực và mô-men xoắn 150Nm, đồng thời giúp hỗ trợ tăng tốc khi "đề pa". Tuy nhiên, mô tơ điện này không thể tự dẫn động chiếc xe, đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ thống “T-Hybrid” này và hệ động lực plug-in “E-Hybrid” của Porsche. Cũng không có cách nào để tắt động cơ đốt trong để chạy trớn khi giảm tốc.

Turbo điện hoạt động giống như một bộ tăng áp dẫn động bằng khí thải truyền thống, nhưng có một động cơ điện 14,7 mã lực được gắn trên trục giữa các bánh tuốc bin và cánh quạt nén. Nó giúp tăng tốc turbo nhanh hơn, giảm đáng kể độ trễ và cũng có thể phục hồi năng lượng để gửi trở lại pin. Đó là một turbo khổng lồ và là động cơ tăng áp đơn đầu tiên cho chiếc 911 sau 30 năm.

Porsche cho biết bản thân động cơ đốt trong này hầu như hoàn toàn mới. Nó là một phần của dòng động cơ boxer phun xăng trực tiếp 9A, đã ra mắt cùng với phiên bản 997 facelift vào năm 2008, nhưng có tên mã hoàn toàn mới là 9A3. So với động cơ 9A2 3.0 lít được sử dụng trên Carrera GTS trước đây, đường kính xi lanh tăng thành 97mm và hành trình tăng 81mm với tổng dung tích là 3.6 lít.

Hệ thống hybrid đã loại bỏ sự cần thiết của máy phát điện chạy dây đai truyền thống, do đó hệ thống điều hòa không khí và trợ lực lái được cấp nguồn bằng pin điện. Điều này cho phép Porsche giảm chiều cao tổng thể của động cơ xuống 110mm và giờ đây, bộ biến tần, bộ chuyển đổi DC-DC và bộ làm mát khí nạp nằm phía trên động cơ.

Động cơ sử dụng hệ thống van biến thiên Variocam của Porsche và giống như máy 6 xi-lanh 4.0 lít trên 911 GT3, cũng loại bỏ các van dẫn động bằng cò và shim để thay bằng những con đội xú-páp dạng cò mổ như ngón tay (finger follower). Giống như động cơ 3.0 lít được trang bị ở phiên bản Carrera cơ sở và có thể là các biến thể 992 trong tương lai — giới hạn vòng tua máy là 7.500 vòng / phút. Bản thân công suất của động cơ là 478 mã lực và mô-men xoắn 570Nm, tăng 5 mã lực so với Carrera GTS cũ và mô-men xoắn giống hệt nhau.

Nhưng khi kết hợp với mô-tơ điện, tổng công suất là 532 mã lực và mô-men xoắn cực đại 610Nm. (mô-men xoắn đầu ra ở đây không phải là 570+150Nm, do động cơ và mô-tơ đạt đạt mô-men xoắn cực đại ở các tốc độ khác nhau.) Hệ thống hybrid đồng nghĩa với việc Porsche không thể trang bị số sàn cho GTS nữa, nhưng hãng muốn tiếp tục cung cấp hệ dẫn động cầu sau như một tùy chọn cho hệ thống T-Hybrid này, trái ngược với các mẫu xe hybrid hiệu suất cao khác trên thị trường thường dẫn động 4 bánh.

Chiếc coupe Carrera GTS dẫn động cầu sau mới chỉ nặng hơn 50kg so với phiên bản tiền nhiệm. Phần lớn trọng lượng tăng lên là do hệ thống hybrid, mặc dù GTS cũng nhận được nhiều trang bị tiêu chuẩn hơn cho năm 2025, bao gồm hệ dẫn động cầu sau và lốp sau rộng hơn 10mm. Porsche cũng nói rằng việc phân bổ trọng lượng không thay đổi một cách có ý nghĩa — lốp sau 315 chủ yếu chỉ để đáp ứng sức mạnh bổ sung.

Dù muộn màng, nhưng một chiếc 911 hybrid là điều không thể tránh khỏi bởi áp lực từ các tiêu chuẩn khí thải ngày càng ngặt nghèo. Bối cảnh thị trường xe đã thay đổi kể từ khi 992 ra mắt vào năm 2018. Tuy nhiên, Porsche không coi việc trang bị hybrid là một điểm trừ. Trái lại, hãng tự hào về T-Hybrid khi đã đem tới hiệu năng vận hành cao hơn mà không tăng trọng lượng xe.

Đức Quang

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/boc-tach-cong-nghe-t-hybrid-tren-porsche-911-gts-moi-khac-gi-so-voi-e-hybrid-hien-co