Nhịp sống

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu

Chu Đậu, làng nghề gốm thất truyền hơn 5 thế kỷ đã được khôi phục gần như trọn vẹn với những điểm độc đáo khó tìm thấy ở các sản phẩm cùng loại trên thế giới. 

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 1

Không gian trong sân công ty gốm Chu Đậu. 

Lịch trình chuyến đi thứ hai trong loạt bài Ford EcoSport khám phá làng nghề của chúng tôi là tìm về làng gốm Chu Đậu. Ý tưởng đến từ việc một anh bạn vong niên công tác tại Văn phòng Chính phủ có đề cập chuyện từng đặt hàng một số món gốm Chu Đậu làm quà tặng và người nhận quà rất yêu thích.

Nói đến gốm sứ Việt, người ta nghĩ ngay tới Bát Tràng với những sản phẩm gốm thủ công đặc sắc, sứ Minh Long với những mặt hàng hiện đại, cao cấp. Tuy nhiên, ở một xứ sông ngòi chằng chịt và người dân gắn chặt với đất như Việt Nam, có hàng chục làng gốm lớn nhỏ và trong số đó, Chu Đậu là một làng nghề có tuổi đời lâu nhất, với những sản phẩm cũng độc đáo bậc nhất. 

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 2

Đường đến gốm Chu Đậu có thể đi theo hai con đường: quốc lộ 5 hoặc đường qua Bắc Ninh đến thị trấn Sao Đỏ rẽ vào.

Từ Hà Nội đến huyện Nam Sách, Hải Dương chỉ chưa đầy 2 tiếng chạy ôtô. Có 2 cách di chuyển đến đây: chạy quốc lộ 5 cắt ngang sông Thái Bình để rẽ vào từ ngã ba Tiền Trung, nếu chọn đường xa hơn đi qua Bắc Ninh, thị trấn Sao Đỏ và đi qua sông Kinh Thầy để vào đến Chu Đậu. Con đường thứ nhất rất dễ đi, chiếc Ford EcoSport chở chúng tôi cứ bám theo biển báo, thậm chí không cần sử dụng đến Google Map để tìm đường.

5 thế kỷ ngủ quên

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 3

Chu Đậu có một thời gian thất truyền nghề gốm và chỉ sản xuất nông nghiệp.

Nằm yên ả bên tả ngạn sông Thái Bình, Chu Đậu theo tiếng Hán có nghĩa là bến thuyền đỗ. Theo nhận định của giới chuyên môn, gốm Chu Đậu, có từ thế kỷ 13, vào thời cực thịnh đã hình thành nên phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Gốm thành phẩm được ví “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Tuy nhiên, nghề gốm tương truyền bị phôi phai bởi cuộc chiến Trịnh-Mạc vào thế kỷ 15.

Lai lịch làng gốm cổ chỉ được nhắc đến trở lại khi vào năm 1980, một vị đại sứ Nhật Bản vô tình nhìn thấy một chiếc bình gốm cổ tuyệt đẹp ở bảo tàng Topkapi Saray (tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) được mua bảo hiểm với trị giá lên cả triệu USD. Sự tò mò về gốc gác chiếc bình đã khiến ông viết thư cho chính quyền tỉnh Hải Hưng (lúc đó) để tìm hiểu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không ai xác định được chính xác vị trí một làng gốm trên địa bàn tỉnh. Câu chuyện rơi vào quên lãng cho dù rải rác đây đó lại có tin tức về việc người dân đào được gốm cổ dưới lòng đất.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 4

Chu Đậu hiện nằm trong nhóm 3 địa điểm du lịch mà huyện Nam Sách muốn phát triển gồm gốm Chu Đậu, chùa Trăm Gian và đền thờ Mạc Đĩnh Chi.

Phải đợi tới năm 1997, gốm Chu Đậu mới hồi sinh với việc một con tàu của Bồ Đào Nha được trục vớt ngoài khơi Quảng Nam, trên đó chở theo hàng trăm nghìn đồ gốm cổ, chủ yếu là có nguồn gốc từ Chu Đậu. Chính thời điểm này đã dẫn đến quyết định của công ty Hapro đầu tư thành lập Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, chuyên sản xuất mặt hàng gốm xuất khẩu vào năm 2001.

Gốm Chu Đậu thực ra là cái tên gọi ngắn gọn của gốm Chu Đậu – Mỹ Xá, tên 2 làng mà người ta đào được nhiều dấu tích về nghề gốm. Hiện nay, người ta chỉ quen gọi gốm Chu Đậu. Nguyên do bởi ở đây không còn làng nghề truyền thống như những nơi khác, tại địa phương hiện chỉ có một số công ty mở ra để làm nghề gốm. Lớn nhất trong đó là Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, nằm trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Nam Sách, cách thành phố Hải Dương 16km về phía Tây Bắc.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 5

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 6

Không gian nhà xưởng tạo hình khuôn.

Con đường trải nhựa đưa chiếc EcoSport vào tận sảnh chính của công ty, nơi trưng bày và bán sản phẩm, phía sau là khu sản xuất và lò nung. Toàn bộ cơ sở nằm trên diện tích hơn 33 nghìn mét vuông, với khoảng hơn 200 công nhân. Do có tuổi đời chưa lâu, lại thành lập trên cơ sở làng gốm nổi tiếng nhưng chỉ còn lại đồ cổ và cái tên, nên khó khăn lớn nhất của Công ty gốm Chu Đậu là thiếu thợ lành nghề, đặc biệt là các nghệ nhân cha truyền con nối.  Các thợ nghề lứa đầu tiên đều là những người được công ty tuyển chọn và cho đi học nghề gốm. Bù lại, do được đầu tư bài bản từ đầu nên các khu vực sản xuất được bố trí ngăn nắp, quy trình sản xuất liên hoàn. Đây là điều mà các làng nghề truyền thống hầu như không làm được. Thợ nghề được chuyên môn hoá và có ý thức về công việc tốt hơn so với ở các doanh nghiệp quy mô gia đình. 

Men vàng Chu Đậu

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 7Cặp bình hoa lam - tỳ bà.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 8

Phòng trưng bày của công ty gốm Chu Đậu có tất cả các sản phẩm ưu tú nhất của làng nghề.

Tại gian trưng bày, sau khi làm việc với lãnh đạo công ty, người phụ trách bán hàng tên Dung dẫn chúng tôi đi một vòng theo đúng quy trình sản xuất gốm. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, Dung rành rọt kể lại lịch sử phát triển của gốm Chu Đậu, của công ty. Cô dẫn chúng tôi đi qua gian thờ tổ nghề - bà Bùi Thị Hý – người ký tên trên chiếc bình hoa lam “triệu đô” ở bảo tàng Topkapi Saray. Đi qua một khu vực rộng rãi trưng bày đủ các loại sản phẩm, chúng tôi bước sang khu vực sản xuất.

Về các sản phẩm từ đất, cách phân chia phổ thông coi cấp thấp nhất là sành, rồi đến gốm và cao nhất là sứ. Trên thực tế, tất cả đều là sản phẩm được làm từ cùng chất liệu đất sét. Sứ được sử dụng để chỉ những sản phẩm đạt tới các tiêu chí cao nhất về độ lửa, độ trong và độ bóng. Nói cách khác, công nghệ chế tạo sứ đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Hiện tại, Chu Đậu có khá ít sản phẩm sứ, chủ yếu mới là đồ gốm bởi lý chính là chưa đầu tư được lò nung. Nếu xét về sự cầu kỳ trong chế tác, nghệ nhân làm gốm hay sứ cũng đều cần sự tài hoa như nhau.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 9

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 10

Một dãy các lò nung gốm.

Để ra được sản phẩm chất lượng, đầu tiên phải chọn được nguyên liệu tốt. Gốm Chu Đậu đòi hỏi loại đất sét lấy từ Trúc Thôn - Chí Linh, mỏ đất có nhiều vi lượng khoáng chất, ít tạp chất và được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới. Đất khai thác về cũng phải đi qua các công đoạn nghiền, lắng trong bể, lọc và ủ để làm sạch để thành hồ.

Tại xưởng tạo hình, các vật dụng thông thường được làm bằng phương pháp tạo khuôn rồi đem sấy khô và mài nhẵn. Với sản phẩm đòi hỏi tính nghệ thuật, thợ thủ công sẽ phải dùng phương pháp chuốt bằng tay để tạo hình. Tiếp đó là đến công đoạn cầu kỳ của việc trang trí hoạ tiết. Lúc này, sản phẩm được đưa vào lò nung với nhiệt độ trung bình 12.500 độ C.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 11

Một công nhân là người địa phương đang tạo nét cho lục bình cỡ đại.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 12

Gốm Chu Đậu có 2 đặc trưng: các hoạ tiết tinh xảo thuần Việt và lớp men hơi vàng sau khi ra lò. Men được làm từ tro vỏ trấu thóc nếp, trộn với đất sét theo tỷ lệ và công nghệ nhào nặn riêng, khi ra lò cho hình ảnh sâu, với những vết rạn vệt xoắn, khác hẳn men rạn chân chim, hạt ngô v.v.. của gốm Bát Tràng hay loại gốm khác. Chính vì lẽ đó, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết bằng câu “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 13

Nữ công nhân trẻ đang tỷ mẩn vẽ hoa văn trước khi gốm được đem đi tráng men.

Kể với chúng tôi, Dung cho biết 2 sản phẩm quan trọng nhất của Công ty gốm Chu Đậu hiện nay là cặp bình tỳ bà – hoa lam, hay còn gọi là cặp bình âm dương, bình phụ mẫu. Bình tỳ bà cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn biểu trưng cho người phụ nữ. Một chiếc bình tỳ bà cổ đã được mua với giá 521.00USD trong một phiên đấu giá tại Mỹ.

Bình hoa lam có thân tròn, cổ cao hình trụ thẳng đứng biểu trưng cho người đàn ông. Gọi là hoa lam bởi hoạ tiết trên bình (và hầu hết sản phẩm của gốm sứ Chu Đậu) được vẽ bằng màu lam. Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt phát triển với 2 cách thể hiện: Vẽ chi tiết, nét mảnh, mà dân sưu tầm gốm gọi là “pake”; Vẽ thoáng với nét đậm.

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 14

Một sản phẩm "vẽ vàng" của gốm Chu Đậu có giá khá đắt.

Gốm hoa lam còn được kết hợp với trang trí vàng kim. Không phải sơn son thếp vàng mà vàng được pha loãng bằng hoá chất, sau đó người thợ sử dụng bút để chấm vàng nước và vẽ trực tiếp lên lớp men sản phẩm. Đây cũng là kỹ thuật ít có ở các nước và đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Người ta tìm thấy không ít đồ gốm trên con thuyền đắm ở Quảng Nam sử dụng chất liệu này. 

Ford Ecosport khám phá đô thị: Men vàng Chu Đậu ảnh 15

Không chỉ khôi phục được những kỹ thuật cao cấp nhất của nghề gốm cổ, gốm Chu Đậu còn đang khởi sắc bởi cách làm hiện đại. Khác với các làng nghề truyền thống, với các xưởng nhỏ và không có những hiệp hội nghề nên rất khó làm du lịch, khách tham quan Công ty gốm Chu Đậu có thể chứng kiến từ đầu đến cuối quy trình làm ra sản phẩm, được chiêm ngưỡng sự kỳ công của những người thợ và có rất nhiều món đồ lưu niệm để mua. Chính vì vậy, hằng năm, Chu Đậu đang đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sản phẩm. Gốm Chu Đậu còn tạo được truyền thống mỗi dịp năm mới mời lãnh đạo cao cấp của nhà nước về tham quan và ký tên lên sản phẩm vừa ra lò. Người mở đầu chính là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và người thường xuyên ủng hộ nhất là bà Nguyễn Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội. Gốm Chu Đậu, vì thế, đang có cơ hội để trở thành cái tên quen thuộc ở cả những sản phẩm mỹ nghệ cấp cao lẫn sản phẩm phục vụ đời sống thường ngày.

Clip Ford EcoSport khám phá làng gốm Chu Đậu.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/ford-ecosport-kham-pha-do-thi-men-vang-chu-dau