Xe điện

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á

Nhờ ngôn ngữ thiết kế khỏe khoắn, trẻ trung, Kia đã từ một hãng xe giá rẻ "lột xác" thành một thương hiệu ôtô châu Á có dòng sản phẩm hấp dẫn.  

Không giống như hãng mẹ Hyundai với Fluidic Sculpture (Điêu Khắc Dòng Chảy), Kia không có một tên gọi chung cho ngôn ngữ thiết kế của họ. Tuy nhiên, hãng đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu xung quanh lưới tản nhiệt có tên gọi Tiger Nose - "Mũi Hổ" một cách thành công, đồng thời gây ấn tượng với khách hàng bằng hình ảnh hiện đại, trẻ trung và khỏe khoắn. Mặc dù có dòng sản phẩm với các mẫu xe thuộc cùng phân khúc - thậm chí dựa trên cùng nền tảng với Hyundai, Kia vẫn có thể độc lập phát triển và không "dẫm chân", cũng không bị "chèn ép" bởi hãng mẹ.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 1 Bộ sưu tập sản phẩm của Kia.

Trong khi các dòng xe Hyundai sở hữu kiểu dáng với các đường nét mềm mại lấy cảm hứng từ tự nhiên thì triết lý thiết kế của Kia lại đi ngược lại hoàn toàn - ứng dụng các đường thẳng và bề mặt "cơ bắp. Hãng tập trung vào việc giành lấy sự trung thành của khách hàng nhờ có các hình dáng đơn giản, cùng những chi tiết tinh vi ở cả nội lẫn ngoại thất. Điều này khiến mỗi mẫu xe Kia đem tới trải nghiệm, cũng như ấn tượng đặc trưng khó có thể tìm kiếm được trên các dòng xe của thương hiệu khác.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 2 Hyundai Santa Fe và Kia Sorento - 2 dòng xe chung nền tảng với thiết kế khác biệt.

Nếu định vị theo đối tượng khách hàng thì Kia sẽ hướng tới những người trẻ tuổi năng động, trong khi Hyundai hợp với nhiều độ tuổi hơn. Kể từ năm 2007 tới nay, hình ảnh của Kia đã thay đổi hoàn toàn - từ một hãng xe giá rẻ với các sản phẩm nhàm chán để trở nên "có hồn", thú vị và tạo nên nhiều thiện cảm hơn. Tất cả những thay đổi này chỉ diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây, và đó là thành quả của "hạt giống" do một người gây dựng - thiết kế trưởng Peter Schreyer người Đức.

Dùng người Âu để chinh phục người Âu

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 3 Kia Optima thế hệ đầu tiên (2000-2006).

 Dù đã được thành lập khá lâu (12/1944), tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, Kia chỉ sản xuất những mẫu xe được nhượng quyền từ các thương hiệu khác nhau. Trong cuộc Đại khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, Kia đã tuyên bố phá sản, để rồi sau đó được tập đoàn đồng hương Hyundai mua lại. Kể từ đó tới năm 2005, dòng sản phẩm của Kia gồm các mẫu xe dân dụng với giá rẻ và thiết kế trung tính, nếu không muốn nói là "nhạt nhẽo" so với các đối thủ.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 4 Kia Cee'd.

Sự "lột xác" của Kia bắt đầu vào năm 2005 khi hãng đặt ra 2 mục tiêu chính: đặt thiết kế làm cốt lõi cho chiến lược phát triển và tập trung chinh phục châu Âu - thị trường khó tính nhất thế giới. Đương nhiên, đây không phải là một việc dễ dàng khi người châu Âu đã quá quen với những sản phẩm chất lượng cao, thiết kế đẹp, thực dụng và thuộc các thương hiệu uy tín.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 5 Ông Peter Schreyer.

Với vấn đề đầu tiên, Kia đã giải quyết bằng việc nâng cao chất lượng từng mẫu xe và tạo lòng tin cho khách hàng. Vào năm 2006, cùng với việc ra mắt chiếc Cee'd sản xuất tại châu Âu, Kia còn giới thiệu chế độ bảo hành 7 năm hoặc 150.000km tại thị trường này. Trong khi đó, để nâng cao hình ảnh, Kia còn tìm cách chiêu mộ những nhân tài thiết kế có xuất thân từ chính châu Âu. Điều này đã dẫn tới việc Peter Schreyer về đầu quân cho Kia vào năm 2006 dưới vai trò thiết kế trưởng.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 6 Audi TT thế hệ đầu tiên.

Nói một chút về Schreyer, ngành công nghiệp ôtô thế giới đã biết đến tên tuổi của ông cách đây 10 năm trước. Sinh năm 1953 tại Đức, Schreyer đã làm việc với Audi từ khi còn là một sinh viên vào năm 1978. Trước khi về Kia, chính Schreyer là người đã gây ảnh hưởng tới hàng loạt những thiết kế quan trọng của Audi và Volkswagen: Audi A3 thế hệ đầu tiên (1996), A4 cùng A6 thế hệ thứ 2 (1997), TT (1998), Volkswagen New Beetle và Golf (1997)...

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 7 Trung tâm thiết kế Kia tại Hàn Quốc.

Là nhân vật trung tâm trong kế hoạch "lột xác" các sản phẩm của Kia, Schreyer đã trực tiếp giám sát các trung tâm thiết kế khác nhau của Kia tại Frankfurt, Irvine, Tokyo và Hàn Quốc. Ngay sau khi về với Kia, ông đã nhận ra sự "trung tính" trong thiết kế của thương hiệu này. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 10 năm, chính Schreyer cũng thẳng thắn đưa ra những nhận xét khách quan về Kia trước đây:

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 8 Kia Sedona thế hệ đầu tiên - một trong những dòng xe đại diện cho thời kỳ cũ của Kia.

"Trong quá khứ, xe Kia rất trung tính. Khi bạn nhìn thấy một chiếc Kia trên đường, bạn sẽ không thực sự biết nó là xe Hàn hay xe Nhật"... Tôi nghĩ rằng việc bạn có thể nhận biết ra một chiếc Kia ngay từ cái nhìn đầu tiên là điều cực kỳ quan trọng".

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 9 Thiết kế lưới tản nhiệt đã trở thành đặc trưng rõ nhất để phân biệt Audi, Mercedes và BMW.

Là một người Đức và đã từng làm việc cho Audi, Schreyer hiểu rõ tầm quan trọng khi tạo ra một "bộ mặt" đặc trưng cho các dòng xe Kia. Nhiều hãng xe lớn trên thế giới cũng ghi đậm hình ảnh trong lòng khách hàng chỉ qua thiết kế lưới tản nhiệt như Mercedes, BMW hay Audi. Chính vì vậy, ông muốn Kia cũng phải có một "bộ mặt" ghi đậm dấu ấn, khiến bất kỳ ai cũng có thể nhận ra được xe Kia từ xa. Lưới tản nhiệt sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ, cũng đồng thời là "tem đảm bảo" chất lượng và là đặc điểm nhận dạng thương hiệu.

"Mũi hổ"

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 10 Một số bản vẽ phác những kiểu dáng lưới tản nhiệt Tiger Nose.

Với những chỉ tiêu này, Schreyer đã "chấp bút" cho một mẫu lưới tản nhiệt đặc trưng cho Kia và đặt tên là Tiger Nose (Mũi Hổ). Có hình dáng khác nhau dựa trên từng dòng xe cụ thể, tuy nhiên lưới tản nhiệt Tiger Nose đều có đặc điểm là được "bóp" hẹp theo chiều dọc ở chính giữa, ngay phía dưới logo Kia ở đầu xe và gợi nhớ về mũi của một chú hổ. Schreyer chia sẻ về nguồn cảm hứng lấy từ loài mèo lớn: "Những con hổ rất dũng mãnh đồng thời chúng cũng có vẻ thân thiện. Lưới tản nhiệt có dạng 3 chiều - giống như một khuôn mặt, không chỉ là một bề mặt với cái miệng được vẽ lên trên nó".

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 11 Kia Kee Concept.

Mẫu xe đầu tiên được áp dụng thiết kế lưới tản nhiệt Tiger Nose là chiếc concept Kee được ra mắt lần đầu vào năm 2007 tại triển lãm Frankfurt. Sau đó, chiếc sedan hạng trung Kia Optima thế hệ thứ 3 ra mắt lần đầu vào năm 2010 là một trong những mẫu xe dân dụng đầu tiên được thiết kế 100% dưới sự chỉ đạo của Schreyer. Mẫu xe này đã trở thành điểm khởi đầu cho cuộc "lột xác" toàn bộ dòng sản phẩm của Kia, khiến hình ảnh thương hiệu này thay đổi theo chiều hướng tích cực trong mắt người dùng.

Đưa văn hóa Hàn Quốc ra Thế giới

Trong khi Kia đang thay đổi lại hình ảnh của họ với bộ nhận diện thương hiệu mới thì những sản phẩm văn hóa Hàn Quốc ngày càng nổi tiếng hơn trên thế giới, điển hình như các sáng tác nghệ thuật, kiến trúc, K-Pop hay Gangnam Style... Những điều này cũng đã tạo cảm hứng cho Schreyer và đội ngũ thiết kế Kia.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 12 Văn hóa và kiến trúc Hàn Quốc là một trong những nguồn cảm hứng cho thiết kế của Kia.

Peter Schreyer bình luận: "Đối với một nhà thiết kế, điều quan trọng là không chỉ nhìn vào những chiếc xe, mà còn phải quan tâm tới kiến trúc, hội họa, âm nhạc, thiết kế công nghiệp... cùng mọi thứ khác. Chúng tôi chịu ảnh hưởng từ chúng và cũng gây ảnh hưởng ngược lại tới chúng. Mọi người giờ đã biết nhiều hơn tới Hàn Quốc và những gì đang diễn ra ở đây. Ở một mặt, trái tim bạn sẽ rung động khi tới Seoul, và mặt khác bạn sẽ cảm nhận nó với sự tĩnh lặng và tập trung. Cả 2 yếu tố này đã gợi cảm hứng cho tôi và các nhà thiết kế.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 13 Kia Sportage.

Triết lý thiết kế "sự đơn giản của đường thẳng" mà Schreyer áp dụng với Kia cũng bắt nguồn từ Hàn Quốc và tạo ra đặc trưng riêng cho từng thiết kế của ông tại Kia. Với một mạng lưới các trung tâm thiết kế của Kia trên toàn cầu, các nhà thiết kế tại mỗi khu vực lại tìm thấy những cách tiếp cận khác nhau đối với triết lý này. Điều đó đã khiến cho các dòng xe Kia có sự khác biệt lớn về phong cách - chẳng hạn như Optima già dặn - sắc sảo, đối nghịch với dáng vẻ "trai tráng" của Sportage. Tuy nhiên, chúng đều chia sẻ chung lưới tản nhiệt Tiger Nose và cảm giác khỏe khoắn, chắc chắn.

"Lột xác"

Bên cạnh Optima và mọi model Kia khác kể từ năm 2010 tới nay, Schreyer còn chỉ đạo hàng loạt các mẫu xe ý tưởng khác nhau để khám phá và mở rộng giới hạn ngôn ngữ thiết kế mới, tạo ra những khả năng mới. Những chiếc concept thú vị như Track'ster (2012), GT (2011) và GT4 Stinger (2014) đã cho thấy tầm nhìn về một Kia mới với thiết kế hứng khởi, ấn tượng, giúp thay đổi hình ảnh của hãng trên toàn cầu.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 14 Kia Track'ster.

Cùng với những biện pháp như mở rộng mạng lưới phân phối và chăm sóc khách hàng, bổ sung nhiều trang bị tiêu chuẩn, định giá tốt và đẩy mạnh marketing... thiết kế mới đã giúp Kia đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần sau 10 năm, doanh số toàn cầu của Kia đã tăng hơn 3 lần tới ngưỡng hiện tại là 3,05 triệu xe.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 15 Kia Stinger.

Dù đã giành được những thành công nhất định trên thị trường xe hơi toàn cầu, Kia vẫn không ngừng thử nghiệm, khám phá thị trường bằng những dòng xe mới mẻ, hấp dẫn. Minh chứng mới nhất cho việc này là  Stinger - mẫu coupe 4 cửa thể thao với thiết kế và trang bị hấp dẫn, động cơ tăng áp cùng hệ dẫn động cầu sau, cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe sang của Đức như Audi A5 Sportback hay BMW 4 Series Gran Coupe.

Tương lai của thiết kế Kia

Thiết kế đã trở thành yếu tố chính giúp thay đổi hoàn toàn hình ảnh thương hiệu và sản phẩm Kia trong những năm qua. Chính vì vậy, hãng xe Hàn sẽ vẫn sẽ tiếp tục phát triển với kim chỉ nam là Thiết Kế trong nhiều năm tới với các sản phẩm hoàn toàn mới ở nhiều phân khúc, đồng thời hồi sinh các tên tuổi truyền thống của họ trong tương lai gần.

Kia - “Mãnh hổ” thiết kế trong ngành công nghiệp ôtô châu Á ảnh 16 Proceed Concept - một thử nghiệm mới của Kia vừa được ra mắt tại Frankfurt 2017.

Schreyer kết luận: "Điều khiến tôi cảm thấy hứng khởi là tốc độ tiến hóa thần tốc của công ty này. Kia mà bạn biết từ 5-10 năm trước đã không còn - và bạn có thể thấy rõ điều này trong từng chi tiết. Bạn có thể cảm nhận điều đó ở những cấu trúc và vật liệu tinh vi. Và bạn sẽ được trải nghiệm nó theo những cách kết nối và liên hệ với chiếc xe. Khi chúng tôi đang tiến về phía trước, điều quan trọng là tạo ra những thay đổi để tiến bộ hơn, thay vì chỉ thay đổi để trông khác biệt hơn".

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/kia---manh-ho-thiet-ke-trong-nganh-cong-nghiep-oto-chau-a