Bộ tứ xe thể thao Nhật Bản nổi tiếng, gồm Toyota Supra MkIV, Honda (Acura) NSX, Honda S2000 và Nissan GT-R R35 cùng thuộc sở hữu của một người chơi xe ở Quận 2, TP.HCM.
JDM là viết tắt cho cụm từ “Japanese Domestic Market”, tạm dịch là “Thị trường nội địa Nhật Bản”. Và như vậy, xe JDM là những mẫu xe dành riêng cho thị trường nội địa Nhật Bản. Văn hóa chơi xe JDM hiển nhiên không thể xuất hiện ở Nhật Bản, mà thay vào đó nó phải xuất phát từ các thị trường ngoài Nhật, và nguồn gốc được cho là từ Hoa Kỳ. Nếu theo quy định của nước này, những chiếc xe nhập khẩu vào Mỹ có “tuổi đời” từ 25 năm trở lên không cần quan tâm là nó có phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn an toàn và khí thải hay không. Nhưng cũng may, ở Nhật, những chiếc xe đã qua sử dụng còn rất mới mẻ với tình trạng kỹ thuật tốt, do được sản xuất với tiêu chuẩn cao về chất lượng và chủ nhân sử dụng số km không lớn. Những chiếc xe JDM cũng thường khác nhiều so với những chiếc xe của hãng xe Nhật Bản sản xuất để xuất khẩu và những chiếc xe được tạo ra khi dùng chung khung sàn nhưng được sản xuất ở các quốc gia khác ngoài Nhật. Khách hàng ở Nhật được cho là quan tâm đến sáng tạo kỹ thuật công nghệ nhiều hơn là thời gian họ sở hữu xe và điều này đã tạo áp lực khiến các hãng xe Nhật Bản phải liên tục tìm ra các công nghệ và thiết kế tiên phong, đột phá để áp dụng đầu tiên vào những chiếc xe nội địa. Đại ý là người Nhật phải được sử dụng đầu tiên những chiếc xe với công nghệ kỹ thuật tốt nhất mà người Nhật có thể đạt được. Thậm chí, điều này không chỉ đúng với xe JDM mà còn đúng với rất nhiều hàng tiêu dùng JDM khác. Năm 1988, những chiếc xe JDM được giới hạn mức công suất ở 280PS (276hp) và đặc biệt là giới hạn tốc độ ở mức 180km/h do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA), vì vấn đề an toàn. Tuy nhiên về sau đó, năm 2004, giới hạn mức công suất ở các xe JDM bị gỡ bỏ, song giới hạn tốc độ 180km/h vẫn được duy trì.
Một số mẫu xe thể thao JDM cũng đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ kỹ thuật, song điểm nổi bật quan trọng của xe JDM là thường có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, dung tích động cơ vừa phải nên tiết kiệm nhiên liệu, phần cơ khí động lực bền bỉ, dễ sửa chữa và cũng rất dễ nâng cấp.
Từ những lúc nhen nhóm ban đầu, dần dần xe JDM trở nên phổ biến, phát triển và hình thành hẳn cộng đồng chơi xe JDM. Rồi qua phim ảnh, hay phương tiện truyền thông, các mẫu xe JDM lại càng trở nên nổi tiếng hơn. Có thể kể đến như phần “Tokyo Drift” trong series phim Fast and Furious, những chiếc xe thể thao Nhật Bản được thăng hoa hơn, trong đó đặc biệt phải kể đến Toyota Supra, Mazda RX-7 hay Nissan Skyline GT-R (R34). Có thể kế đến một vài mẫu xe thể thao JDM đình đám khác những năm 90 thế kỷ trước như Subaru Impreza, Mitsubishi Evolution, Honda Integra, Nissan Silvia...
Phong trào chơi xe JDM dường như cũng đang nhen nhóm tại Việt Nam, khởi nguồn từ một số cá nhân có niềm đam mê với dòng xe này, và quan trọng là cần phải sở hữu được xe JDM. Những chiếc xe JDM tại Việt Nam thì rõ ràng không quá phổ biến, đặc biệt xe càng nổi tiếng thì càng hiếm, lấy ví dụ như Supra hay NSX và có thể nói chưa từng thấy chiếc NSX thứ 2 tại Việt Nam.
Không mấy ai nhớ rõ nguồn gốc những chiếc xe JDM huyền thoại này có mặt ở Việt Nam thời điểm nào, nhưng đến hiện tại thì thường đã qua vài đời chủ. Việc mỗi người sở hữu một xe mang tính đơn lẻ, âm thầm, nhưng nếu có sự quy tụ lại chung đam mê, ít nhất đó là nền tảng để xây dựng nên một phong trào chơi xe JDM tại Việt Nam, mà kiểu chơi xe này cũng có rất nhiều thú vị.Xem thêm một số hình ảnh dàn xe JDM của một người chơi xe ở Quận 2, TP.HCM
Theo NgheNhinVietNam
Nhịp sống | 05/12/2024