Công nghệ

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz

Sự phát triển các hệ thống an toàn của Mercedes-Benz thực sự bắt đầu từ 80 năm trước, khi kỹ sư người Áo Béla Barényi về làm việc cho hãng vào năm 1939.

Mercedes-Benz là một trong những hãng sản xuất ô tô danh tiếng trên thế giới và cũng được xem là hãng sản xuất xe hơi lâu đời nhất đến ngày nay. Đặc biệt, Mercedes-Benz còn là một trong những hãng xe đi tiên phong trong việc giới thiệu nhiều công nghệ mới và những sáng kiến về các công nghệ an toàn cho xe hơi mà sau đó đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Mercedes-Benz đặc trưng cho sự phát triển ô tô với những đổi mới an toàn liên tục trong quá trình phát triển của hãng. Từ giữa thế kỷ 20, thương hiệu Mercedes-Benz đã trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô tiên phong cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ an toàn cho xe.

Trong bài này, cùng nhìn lại những cột mốc quan trọng của sự phát triển hệ thống an toàn cho người lái nổi bật mà Mercedes-Benz đã nghiên cứu, phát triển cũng như áp dụng trên những dòng xe của mình. Đây là những tính năng, công nghệ quan trọng, đóng vai trò là tiền đề cho những công nghệ tính năng an toàn và hỗ trợ lái xe hiện đại ngày nay.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 1 Theo Mercedes-Benz, sự phát triển các hệ thống an toàn của Mercedes-Benz thực sự bắt đầu từ 80 năm trước, khi kỹ sư người Áo Béla Barényi về làm việc cho Mercedes-Benz vào năm 1939. Ông Béla Barényi sinh ngày 1/3/1907 tại Hirtenberg, Áo là một kỹ sư người Áo-Hung. Ông được biết đến như một nhà phát minh đầu tiên cho các hệ thống an toàn cho xe hơi. Ông từng tuyên bố rằng “Khi ông nghỉ hưu vào ngày 31/12/1972, ông có hơn 2.000 bằng sáng chế, gấp đôi so với nhà phát minh lỗi lạc Thomas Edison, người phát minh ra bóng đèn điện ngày nay”.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 2  Kỹ sư người Áo Béla Barényi, người đặt nền móng cho các hệ thống an toàn thụ động của Mercedes-Benz. Sau khi học ngành cơ khí và kỹ thuật điện tại trường đại học Vienna, ông đã làm việc tại các công ty ô tô khác nhau của Áo như Austro-Fiat, Steyr và Adler trước khi gia nhập Daimler-Benz vào năm 1939. Chính Tiến sĩ Wilhelm Haspel, thành viên hội đồng quản trị Daimler-Benz đã trực tiếp phỏng vấn ông Barényi. Trong cuộc phỏng vấn này, Barényi đã giải thích chi tiết cách thức lái, cột lái, vô lăng, hệ thống treo và thân xe thông thường, theo ý kiến của ông, nên được thay đổi để tăng cường an toàn cho người ngồi trong xe. Ông Barény cũng đã trình bày 7 tầm nhìn của mình về một chiếc xe an toàn của tương lai trong vòng 15 – 20 năm tới. Sau đó, tiến sĩ Haspel bị Barényi thuyết phục và nhận thấy tài năng của ông. Ngày 1 tháng 8 năm 1939, Barényi chính thức tiếp quản bộ phận mới thành lập phụ trách nghiên cứu và phát triển các hệ thống an toàn cho hãng.  

Một cột mốc quan trọng trong sự an toàn thụ động bắt nguồn từ một ý tưởng của Béla Barényi vào đầu những năm 1950 về “một thân xe chở khách hấp thụ động năng” được tạo ra trong một vụ va chạm bằng cách biến dạng ở phía trước hoặc phía sau trong một mục tiêu, kết hợp với những chi tiết trung tâm nhằm bảo vệ hành khách nhiều nhất có thể trong một vụ tai nạn.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 3 Khung xe hấp thụ động năng đầu tiên được trang bị trên chiếc Mercedes-Benz W111 vào năm 1959. Khái niệm này đã được đăng ký bằng sáng chế vào năm 1951 và được xem là chi tiết an toàn thụ động đầu tiên trên xe hơi được phát triển và áp dụng trên xe, như một bộ phận giúp tăng cường an toàn. Ý tưởng này được áp dụng đầu tiên trên chiếc xe hạng sang thời điểm đó Mercedes-Benz W 111 từ tháng 9 năm 1959.

Quay trở lại với quá trình phát triển các hệ thống an toàn của Mercedes-Benz, lần đầu tiên, Mercedes-Benz nhận ra nội thất của xe cũng giúp giảm thiệt hại cho người lái, hành khách trong các vụ va chạm. Hãng đã cải tiến vô-lăng giúp hạn chế chấn thương cho tài xế, cũng như chi tiết khóa cửa với hai chốt an toàn bên trong xe.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 4 Điều này có nghĩa là với toàn bộ một loạt các đổi mới, dòng W 111 ngay lập tức trở thành một thế hệ xe đặc trưng cho ngành an toàn thụ động. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng thân xe (an toàn bên ngoài) cũng giống như thiết kế nội thất xe (an toàn bên trong).

Cho đến năm 1956, Mercedes-Benz đã thử nghiệm, đánh giá ảnh hưởng khả năng biến dạng từng bộ phận của xe trong một vụ tai nạn thực tế. Và trong 50 năm, những kiến thức phát hiện từ các vụ tai nạn giao thông thực sự cũng đã được đưa vào nghiên cứu phát triển an toàn toàn diện các sản phẩm của Mercedes-Benz. Kể từ năm 1969, Mercedes-Benz thành lập bộ phận nghiên cứu phân tích và tái tạo lại những va chạm.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 5 Mercedes-Benz đã thử nghiệm, đánh giá ảnh hưởng khả năng biến dạng từng bộ phận của xe trong một vụ tai nạn thực tế từ năm 1956.  Theo ý kiến các nhà phân tích và chuyên gia của Mercedes-Benz, nhiều sáng kiến cho sự an toàn thụ động của Mercedes-Benz ngày nay sẽ không thể thực hiện được nếu không có nghiên cứu nền tảng trước đây mà đứng đầu do Barényi chịu trách nhiệm. Ví dụ, 60 năm trước, vào ngày 10/9/1959, các thử nghiệm mô phỏng tai nạn với các phương tiện hoàn chỉnh đầu tiên được tiến hành tại nhà máy Sindelfingen. Những thông tin, phân tích đánh giá quý báu, cực kỳ hữu ích cho các hãng khác tham khảo cũng như những các chương trình tổ chức chuyên thử nghiệm đánh giá độ an toàn cho xe hơi ngày nay.

Trong suốt sự nghiệp của mình tại Mercedes-Benz, Béla Barényi đã đăng ký khoảng 2.500 bằng sáng chế từ năm 1939 đến năm 1972, hầu hết trong số đó liên quan đến những đổi mới về an toàn cho xe. Để ghi nhận công việc đột phá của mình, Barényi được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Ô tô (AHOF) tại Dearborn, Michigan (Mỹ) năm 1994. Béla Barényi mất ngày 30 tháng 5 năm 1997, Böbleden, Đức. Để ghi nhận thành quả của ông, trong một quảng cáo của Mercedes dành riêng cho ông và kèm lời tuyên bố “Không ai trên thế giới nghĩ nhiều đến hệ thống an toàn xe hơi hơn người đàn ông này”. Ông cũng đã để lại một bản ghi chép rộng rãi về các phát minh của mình cho bảo tàng Technisches Museum Vienna ở quê hương mình tại Vienna, Áo.

Năm 1966, Barényi cùng với giám đốc điều hành phát triển mới của Mercedes-Benz thời điểm đó là Hans Scherenberg, đã thiết kế phân bổ những vị trí an toàn cũng như bổ sung thêm những ý tưởng về hệ thống an toàn chủ động cho xe, và những ý tưởng đó vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Hầu hết các hãng xe đều xem những giải pháp an toàn thụ động như gia cố khung xe, thân vỏ là giải pháp thiết kế cụ thể bảo vệ mọi người khỏi các tác động của tai nạn. Thời điểm đó, những khái niệm về an toàn chủ động của xe chưa xuất hiện trước đó. An toàn chủ động được hiểu là sử dụng các hệ thống can thiệp vào phong cách lái xe của tài xế và cách hỗ trợ để tránh tai nạn hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của một vụ tai nạn khi xảy ra va chạm.

Trong nhiều thập kỷ, những đổi mới của Mercedes-Benz đã liên tục cải thiện các hệ thống an toàn thụ động trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, các vô-lăng an toàn cũng như các chi tiết khác nhau. Cụ thể, Mercedes-Benz đã áp dụng những tiến bộ trong hệ thống điện tử và cảm biến để bắt đầu trong lĩnh vực này.

Việc phát triển túi khí tại Mercedes-Benz bắt đầu vào năm 1966, với bằng sáng chế tương ứng được đăng ký bởi công ty vào năm 1971. Là giải pháp sẵn sàng sản xuất đầu tiên, túi khí của người lái đã được giới thiệu trong chiếc S-Class của series 126 vào năm 1981. Và sự đổi mới này đã nhanh chóng được áp dụng bởi toàn bộ ngành công nghiệp ô tô.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 6 Khung xe hấp thụ lực cùng hệ thống dây an toàn thời điểm đó.  Nguyên tắc cơ bản của túi khí đầu tiên vẫn được áp dụng cho đến ngày nay: nếu bộ điều khiển phát hiện có một tai nạn nghiêm trọng thông qua tín hiệu các cảm biến khác nhau, túi khí được kích hoạt. Một máy phát khí làm đầy túi khí. Túi khí nổ sẽ hạn chế va chạm của người lái vào vô lăng, điều này hỗ trợ của dây an toàn. Thời điểm này, thiết kế dây an toàn mới (giống như ngày nay) cũng được áp dụng cho xe với bộ căng đai và bộ hạn chế lực gọi là SRS (hệ thống hạn chế bổ sung).

Ngày nay, những chiếc xe chở khách thường được trang bị nhiều túi khí hơn như một phần quan trọng của khái niệm an toàn không thể thiếu trong thiết kế của các hãng xe. Chúng bao gồm từ túi khí đầu gối và túi khí vành đai ở phía sau đến túi khí bên ngực / xương chậu. Mercedes-Benz đã thúc đẩy sự phát triển này với những cải tiến liên tục: túi khí hành khách phía trước, với sự ra mắt thế giới vào năm 1987 trong dòng xe sedan và coupe của chiếc Mercedes-Benz S-Class, từ đó đã trở thành một tính năng của an toàn thụ động bắt buộc. Năm 1998, túi khí cửa sổ được hãng nghiên áp dụng trên các dòng xe của mình giúp tăng khả năng cứu sống người lái cũng như hành khách.

Ngoài ra, các thiết kế toàn diện như thân xe được tăng cường an toàn cũng quan trọng đối với câu chuyện thành công của Mercedes-Benz. Ví dụ, cách đây 30 năm, vào tháng 3 năm 1989, chiếc Mercedes-Benz SL R129 đã tạo ra nên những bất ngờ về các hệ thống an toàn của mình tại Triển lãm ô tô Geneva.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 7  Chi tiết thanh cuộn giúp hạn chế chấn thương cho tài xế trong trường hợp xe (mui trần) bị xoay vòng.  Nổi bật là chi tiết thanh cuộn được kích hoạt tự động của chiếc xe mui trần Mercedes-Benz SL R129, giúp hạn chế chấn thương cho tài xế trong trường hợp xe bị xoay vòng khi bị tai nạn. Khi không sử dụng, thanh cuộn rút vào trong ghế lái. Thời gian phản ứng của thanh cuộn chỉ mất 0,3 giây đảm bảo an toàn kịp thời cho người ngồi trong xe.

Nhiều cải tiến an toàn thụ động chi tiết được tiên phong bởi Mercedes-Benz trong suốt 8 thập kỷ nay được tích hợp như một phần của khái niệm an toàn toàn diện. Trên cơ sở này, Mercedes-Benz đang nghiên cứu các khía cạnh an toàn của xe trong tương lai với nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, nổi bật là Intelligent Drive.

Khái niệm lái xe thông minh Intelligent Drive là tên được đặt cho triết lý mới của Mercedes-Benz để kết nối tất cả các hệ thống an toàn và hỗ trợ lái xe trong xe hơi, đánh dấu một sự kết hợp chặt chẽ giữa sự thoải mái và an toàn. Năm 2012, các chức năng quan trọng của Intelligent Drive là những tính năng được trang bị trước đó và được nâng cấp cải tiến lên một tầm cao mới bao gồm: giữ khoảng cách DISTRONIC PLUS được nâng cấp tính năng tự đánh lái, phanh chủ động BAS PLUS với tính năng hỗ trợ cảnh báo phương tiện vượt, PRE-SAFE với tính năng phát hiện người đi bộ cũng như phía sau sắp xảy ra va chạm, hay tính năng hỗ trợ tầm nhìn đêm Night View Plus v.v.

Quá trình phát triển các hệ thống an toàn xe hơi của Mercedes-Benz ảnh 8 Sự phát triển liên tục của các hệ thống hỗ trợ thành công là một phần trong chiến lược phát triển an toàn lâu dài của Mercedes-Benz. Ngoài ra, sự phát triển này góp phần quan trọng vào lĩnh vực xe tự lái của Mercedes-Benz trong những năm tới đây.

Như vậy, từ những tính năng hệ thống an toàn thụ động cơ bản nhất như khung sườn an toàn (1959), túi khí an toàn (1966) v.v…thì đến nay Mercedes-Benz đã có những bước tiến dài với rất nhiều công nghệ hiện đại hỗ trợ người lái.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/qua-trinh-phat-trien-cac-he-thong-an-toan-xe-hoi-cua-mercedes-benz