Công nghệ

Hệ thống ngăn ngừa va chạm có thể sẽ là trang bị bắt buộc trong tương lai

Các cơ quan an toàn giao thông của Mỹ đang để mắt đến những hệ thống cảnh báo và ngăn ngừa va chạm, đồng thời khuyến nghị các hãng xe nên trang bị công nghệ này dưới dạng tiêu chuẩn, hé lộ khả năng hệ thống dạng này sẽ là trang bị buộc phải có trên xe trong tương lai.

Hệ thống ngăn ngừa va chạm có thể sẽ là trang bị bắt buộc trong tương lai ảnh 1 Theo Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ (NTSB), hệ thống ngăn ngừa va chạm (Collision avoidance system) trên xe có khả năng cứu sống nhiều người, nhưng chỉ khi ngành công nghiệp ô tô trang bị hệ thống này cho tất cả các mẫu xe mới bán ra thị trường.

Trong một báo cáo công bố đầu tuần, NTSB cho biết, các vụ va chạm nối đuôi giết chết khoảng 1.700 người Mỹ mỗi năm, đồng thời khiến khoảng nửa triệu người bị thương. Tuy nhiên, khoảng 80% số vụ va chạm này là hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu tất cả xe đang lưu thông đều được trang bị công nghệ ngăn ngừa va chạm.

Đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong suốt 20 năm qua, các hệ thống ngăn ngừa va chạm sử dụng nhiều cảm biến để phát hiện nguy cơ va chạm với các xe khác. Khi va chạm sắp xảy ra, hệ thống này sẽ cảnh báo tài xế, hoặc tự động phanh xe hay cao cấp hơn là tự đánh lái để né tránh. Hệ thống ngăn ngừa va chạm có thể sẽ là trang bị bắt buộc trong tương lai ảnh 2 Tùy trình độ của mỗi hãng mà loại hệ thống này có nhiều dạng khác nhau, và hiện cũng đã được trang bị trên một số dòng xe. Tuy nhiên, bất chấp việc các cơ quan an toàn giao thông ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu nhiều lần khuyến nghị các hãng xe nên trang bị hệ thống này dưới dạng hệ thống tiêu chuẩn trên tất cả các dòng xe, hầu hết các hãng xe trên thế giới hiện nay vẫn còn khá lưỡng lự, chỉ cung cấp dưới dạng trang bị tùy chọn, phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng. Trong báo cáo của mình, NTSB cho biết chỉ có 4 trong số 684 mẫu xe mới giới thiệu tại Mỹ trong năm 2014 được trang bị hệ thống này dưới dạng tiêu chuẩn, đó là các mẫu Mercedes-Benz G Class 4X4, và 3 mẫu khác của Subaru gồm Forester, Outback và Legacy. Bên cạnh đó, NTSB cũng cho biết là những dòng xe trang bị hệ thống này dưới dạng tùy chọn, lại thường nằm trong một gói trang bị gồm nhiều tính năng không liên qua đến an toàn, khiến giá xe đội lên rất nhiều. NTSB đang muốn tất cả các hãng xe trang bị hệ thống này dưới dạng tiêu chuẩn trên các mẫu xe mới bán ra thị trường, thời gian đầu là hệ thống có khả năng cảnh báo tài xế khi tai nạn sắp xảy ra, sau đó dần bổ sung thêm công nghệ tự động phanh để tránh va chạm. NTSB cũng đang đề nghị Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) tạo qui trình kiểm tra, chuẩn hóa để đánh giá các hệ thống ngăn ngừa va chạm, và từ đó để lấy cơ sở đánh giá điểm an toàn tổng thể của một xe Tuy nhiên có thể không chỉ là để đánh giá, một khi các cơ quan an toàn ở Mỹ và châu Âu đã “để mắt” đến một tính năng an toàn hữu ích nào có thể được ứng dụng hàng loạt để giảm thiểu nguy cơ tai nạn và thương vong thì nhiều khả năng là các hãng sản xuất ô tô bị bắt buộc phải trang bị. Tiền lệ đã có, đầu tiên là đai an toàn cách vài thập kỷ, sau đó là túi khí trước, túi khí rèm, phanh ABS và mới đây là hệ thống ổn định điện tử ESP. Các hệ thống này ban đầu cũng được khuyến nghị nên trang bị, và sau đó là bắt buộc phải trang bị. Hệ thống ngăn ngừa va chạm có thể sẽ là trang bị bắt buộc trong tương lai ảnh 3

Mong muốn của NTSB là vậy, song theo bà Gloria Bergquist, Phó chủ tịch Liên minh các nhà sản suất ô tô (AAM), thì các hệ thống ngăn ngừa va chạm như vậy hiện chỉ nên giữ nguyên ở dạng trang bị tùy chọn, “Có hàng chục các loại hệ thống hỗ trợ tài xế đang được trang bị trên hàng loạt loại xe bán ra thị trường hiện nay, và nhiều khách hàng có thể sẽ ưu tiên hệ thống camera quan sát 360 độ hoặc hệ thống hỗ trợ đỗ xe. Các nhà sản xuất ô tô cũng nhận thấy hệ thống tự động phanh là hữu ích đối với khách hàng, tuy nhiên khách hàng nên là người quyết định cái mà họ muốn và cần.”

Tuy nhiên, quan điểm của AAM có vẻ không được nhiều người tán thành, bởi không phải mọi khách hàng đều có thể nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của những trang bị trên chiếc xe của họ để đưa ra quyết định nên và không nên chọn hệ thống nào.

Không phải ai cũng biết hệ thống ổn định điện tử ESP can thiệp và đảo an toàn cho hành khách như thế nào, nhưng châu Âu đã bắt buộc tất cả các loại xe dưới 3,5 tấn phải trang bị hệ thống này kể từ tháng 11/2014.

Khác với châu Âu, xe ở Việt Nam đắt nhưng gần như không bị bắt buộc phải trang bị một hệ thống an toàn nào. Không có qui định bắt buộc về số lượng túi khí, phanh ABS, chứ chưa nói đến ESP. Một trong những yêu cầu hiếm hoi về an toàn đối với xe bán ra tại Việt Nam theo qui định trong “Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với ô tô” (QCVN09:2011/BGTVT) đó là đai an toàn 3 điểm.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/he-thong-ngan-ngua-va-cham-co-the-se-la-trang-bi-bat-buoc-trong-tuong-lai