Thử xe

Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam

Ranger Wildtrak 3.2 AT 4x4 xuất hiện và đã trở thành mẫu pickup mạnh mẽ nhất trên thị trường hiện nay. Phiên bản cao cấp này còn cho thấy là Ford muốn thống lĩnh tuyệt đối phân khúc xe bán tải ở Việt Nam.

Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 1 Vì đặc trưng riêng về tính năng, sự cạnh tranh trong phân khúc xe bán tải có thể nói là rất chuyên biệt, ít có sự “xâm lấn” của các phân khúc khác. Tại Việt Nam, danh mục các dòng xe bán tải hiện cũng không hiếm với các tên tuổi như Ford Ranger, Toyota Hilux, Madza BT-50, Mitsubishi Triton, Isuzu D-Max, Chevrolet Colorado, Nissan Navara. Nhiều lựa chọn, tuy nhiên đáng để vung tiền nhất hiện nay thì chỉ có thể là Ford Ranger, bởi dòng bán tải này đang áp đảo toàn diện tất cả các đối thủ còn lại.

Tổng kết mười tháng đầu năm 2014, Ford Việt Nam (FVL) bán được tới 3.460 chiếc Ford Ranger, chiếm 32,07% tức gần 1/3 tổng số xe mà liên doanh này bán ra từ đầu năm đến nay. Không chỉ đóng vai trò vô cùng lớn trong việc giúp Ford Việt Nam lần đầu tiên vượt qua mốc 10.000xe/năm, Ford Ranger còn thống lĩnh luôn thị trường xe bán tải, và góp phần khiến phân khúc thị trường này tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Dù đã rất thành công với các phiên bản Ranger 2.2, vốn có giá bán rất rộng, nhắm thẳng vào các túi tiền có kích cỡ từ 585 triệu đồng đến 804 triệu, nhưng như muốn hớt trọn phân khúc pickup ở Việt Nam, tháng 7 năm nay, Ford Việt Nam tiếp tục tung ra phiên bản cao cấp nhất với cấu hình đáng mơ ước gồm động cơ dầu Duratorq dung tích 3.2L, hộp số tự động 6 cấp, 2 cầu chủ động và có giá bán 838 triệu đồng, tức chỉ đắt hơn Ranger Wildtrak 2.2 AT 4x4 34 triệu đồng.

Phóng viên Xedoisong đã có cuộc hành trình dài trải nghiệm Ranger Wildtrak 3.2 AT 4x4 và bị thuyết phục một cách toàn diện, đồng thời đưa ra nhận định rằng nếu đã xác định chọn mua pickup mà không đưa Ranger vào danh sách ưu tiên hàng đầu thì đó là một thiếu sót lớn, và nếu muốn có một chiếc pickup tốt nhất trên thị trường hiện nay thì phải chọn bản Ranger Wildtrak 3.2 AT 4x4. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 2

Xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm, vào tháng 6 năm 2001, và là một trong những mẫu pick-up đầu tiên ở thị trường này, tuy nhiên, Ford Ranger chưa khi nào đạt đến thành công ngoạn mục như hiện nay, với số lượng xe bán chiếm tới gần 1/3 tổng số xe mà Ford Việt Nam bán ra thị trường 10 tháng đầu năm nay. Tất cả là nhờ sự thay đổi triệt để về nhiều mặt từ thiết kế, công nghệ cho đến tính năng vận hành, được dẫn dắt bởi triết lý One Ford và chiến lược sản phẩm toàn cầu.

Thiết kế thời trang nhưng đậm chất Mỹ

Ford Ranger hoàn toàn mới được thiết kế và phát triển tại Úc, giới thiệu lần đầu ở Triển lãm Ô tô Sydney năm 2010 và bán ra thị trường toàn cầu (trừ Bắc Mỹ) kể từ giữa năm 2011. Dòng Ranger này mang mã danh T6 và dành cho thị trường toàn cầu, nhưng hoàn toàn khác so với Ranger ở Bắc Mỹ. Không lâu sau khi Ford Ranger (T6) mới ra mắt, thì tại Mỹ Ford cũng ngừng sản xuất hẳn dòng Ranger dành riêng cho Bắc Mỹ vào cuối năm 2011. Dù đến nay Ford không có ý định khôi phục lại dòng Ranger tại Bắc Mỹ, hay đưa Ranger (T6) vào thị trường Mỹ, nhưng có vẻ như khi phát triển Ranger T6 ở Úc, các kỹ sư và chuyên gia thiết kế của Ford đã lấy không ít cảm hứng từ những hình ảnh mạnh mẽ, cơ bắp đặc trưng từ các sản phẩm của Ford ở Bắc Mỹ, và lồng ghép vào đó những đường nét thanh lịch, hài hòa, tạo nên một sản phẩm bán tải mạnh mẽ nhưng có thiết kế thời trang và phù hợp cho thị trường toàn cầu.

Đặc điểm ấn tượng nhất trong thiết kế của Ford Ranger mới dồn vào hết phần đầu xe với bộ cản trước to dày, và lưới tản nhiệt 3 thanh chắc chắn. So với thế hệ trước, bề rộng của cản trước trên Ford Ranger thế hệ mới lớn hơn rất nhiều, ôm trọn cả cặp đèn sương mù và gần như bằng với mép ngoài của bộ đèn pha, khiến cho phần đầu xe trông rộng và hùng dũng hơn. Nếu quan sát và chú ý nhiều hơn vào khu vực này thì có thể thấy Ford Ranger có một chút gì đó phảng phất hình ảnh của mẫu crossover cỡ trung Ford Edge, vài nét của dòng SUV hạng trung Ford Explorer và pha lẫn với mẫu SUV cỡ lớn Ford Expedition, vốn là các đại diện tiêu biểu cho phong cách thiết kế bề thế và cơ bắp của Ford cũng như xe Mỹ nói chung. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 3 Ở hai bên hốc bánh, Ford không còn thiết kế các viền hốc bánh dạng khối ốp nổi lên tách biệt như thế hệ cũ, thay vào đó là là các mảng cong vồ lên trơn mượt và liền mạch với ca-pô, nhưng chính điều này lại làm cho thiết kế của Ford Ranger mới bớt phần khô khan, thanh lịch và thời trang hơn.

Ford Ranger hoàn toàn mới ra đời đồng thời cũng đánh dấu việc chấm dứt sử dụng platform BT-50, để chuyển sang dùng bộ platform toàn cầu dành xe tải nhỏ hoàn toàn mới của Ford (dòng pickup BT-50 thế hệ thứ 2 của Mazda nay cũng chuyển sang dùng platform này của Ranger, và sắp tới sẽ là Ford Everest). Với bộ platform mới có chiều dài cơ sở tăng tới 220mm; kích thước tổng thể của Ford Ranger cũng tăng lên rất đáng kể với ba chiều dài x rộng x cao là 5.351 x 1.850 x 1.848mm (bản Wildtrak), tức cả ba chiều kích thước này tăng lần lượt 178mm, 62mm và 86mm, khiến Ford Ranger mới nay to lớn hơn rất nhiều so với thế hệ trước, thể hiện rõ hình ảnh nam tính mạnh mẽ, vốn đã là bản chất cố hữu của dòng xe pickup - chỉ dành cho đàn ông.

Phiên bản Ford Ranger Wildtrak 3.2L AT 4x4 trong bài trải nghiệm này của Xedoisong được trang bị thêm nắp thùng tải. Mặc dù phụ kiện này không phải là hàng chính hãng của Ford với các mối ghép không khớp, để lộ nhiều khe hở và bị thừa ở cuối đuôi, nhưng nắp thùng tải này phần nào đó cũng khiến cho đuôi xe của Ranger trông dày, bề thế hơn. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 4

Tiện nghi như sedan

Gọi là xe bán tải, bởi mang thiết kế là xe chở người và thêm thùng tải phía sau, nhưng nếu xét về phần nội thất thì Ford Ranger nên bỏ từ “tải” trong phân loại dòng xe của mình. Bởi khi đã bước vào cabin, trải nghiệm và cảm nhận khoang hành khách của Ford Ranger thì hầu hết đều quên đi phía sau lưng còn có thêm một thùng tải.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào bên trong Ford Ranger thế hệ mới đó là phần nội thất hấp dẫn không kém gì các mẫu SUV cỡ trung hay thậm chí là dòng sedan hạng trung. Toàn bộ nội thất của Ford Ranger được thiết kế theo đúng tinh thần của dòng xe này đó vẻ nam tính, chắc chắn, lớn nhưng không khô khan mà khá hài hòa. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 5

Bảng điều khiển các chức năng giải trí, điều hòa được thiết trong một khung hình vuông nhưng bo tròn các góc một cách mềm mại, tương tự toàn bộ mặt táp-lô cũng được tạo hình khối cong. Vô-lăng và tay nắm cần số cũng thiết kế “dành riêng” cho đàn ông, phù hợp với phong cách của xe. Riêng đường kính vô-lăng lớn cũng khiến cho tầm quan sát của người lái đối với bảng đồng hồ trở nên rất thuận tiện, rõ ràng.

Vì đây là phiên bản Ford Ranger Wildtrak 3.2, nên nội thất xe còn phong cách hơn nhờ bộ ghế bọc da phối hợp với các dải màu cam, chỉ khâu cam và các mảng nỉ dạng tổ ong trên các mặt đệm ôm thân. Cả da bọc cần số, vô lăng và bệ tỳ tay giữa 2 ghế trước cũng được khâu bằng chỉ màu nổi này. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 6 Về không gian, nhờ chiều dài cơ sở gia tăng tới 220mm, nên Ford Ranger thế hệ mới rộng rãi hơn nhiều, điều này thể hiện rõ nhất ở mặt tựa lưng của băng ghế sau. Các thế hệ Ford Ranger trước đây do bị giới hạn bởi chiều dài cơ sở và sự chiếm chỗ của thùng tải nên mặt tựa lưng băng ghế sau hơi đứng, thì nay Ranger mới đã nghiêng được một cách rất thoải mái.
Chính nhờ môi trường nội thất rộng rãi và hài hòa như vậy, nên như đã nói là nếu đã ngồi vào cabin của Ranger và chu du trên đường dài, thì phần lớn thời gian hầu hết mọi người đều sẽ quên đi mẫu xe này còn có thêm một thùng tải rộng với tải trọng lên tới gần 900kg ở phía sau. Nhưng không chỉ hài hòa, nam tính và rộng rãi, Ford Ranger, đặc biệt là phiên bản Wildtrak 3.2 AT 4x4 trong bài viết này còn làm cho người dùng thích thú với một loạt các trang thiết bị tiện nghi cao cấp mà nhiều dòng sedan hạng trung thậm chí còn không có được. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 7 Đối với người lái, điều khiển mẫu Ford Ranger này sẽ trở nên rất thoải mái, thư thái và dễ dàng nhờ các hệ thống như cảm biến lùi, camera lùi với hình ảnh hiển thị trên gương chiếu hậu trung tâm, ga tự động với nút chỉnh ga tăng giảm trên vô-lăng, hỗ trợ khởi hành trên dốc, kính điều khiển điện, khóa cửa điện điều khiển từ xa, đèn pha và gạt mưa tự động… Đối với những hành khách còn lại thì Ranger Wildtrak 3.2 AT 4x4 cũng mang lại nhiều tiện ích với hệ thống điều hòa tự động, hệ thống giải trí với dàn âm thanh 6 loa, cho phép kết nối qua giao thức không dây Bluetooth và điều khiển bằng giọng nói. Nhờ hệ thống giải trí này mà trong suốt hành trình 2 ngày dài hơn 600km, nhóm phóng viên có thể thay phiên nhau chia sẻ và phát cạn danh mục nhạc của từng người trên suốt đường đi một cách rất đơn giản. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 8 To lớn không ngại va chạm, nhưng trong trường hợp xui rủi gặp phải va chạm, tất cả các hành khách trên Ford Ranger Wildtrak đều được đảm bảo an toàn tối đa với dàn túi khí trước, túi khí bên hông và túi khí rèm. Ngay cả những chiếc sedan cùng tầm giá trên thị trường hiện nay thì cũng không nhiều mẫu được trang bị với số lượng túi phong phú đến như vậy.
Đặc biệt, phiên bản Ranger này còn được trang bị thêm một hệ thống an ninh rất ý nghĩa. Theo đó, nếu người lái ra khỏi xe, khóa cửa nhưng quên lên kính, lúc này trong trường hợp có kẻ gian thò tay vào trong xe với ý định chôm các vật dụng cá nhân giá trị như điện thoại, iPad thì cảm biến lắp trên trần xe sẽ lập tức dò được vào báo động với chủ xe bằng những tiếng còi lớn. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 9

Êm trên đường trường và chuyên nghiệp với đường địa hình

Ford Ranger Wildtrak 3.2 AT 4x4 được trang bị động cơ turbo diesel 5 xi-lanh thẳng hàng, dung tích 3.2L, công suất cực đại 200 mã lực và đặc biệt ấn tượng là mô-men xoắn cực đại lên tới 470Nm (đạt được ở tốc độ quay rất thấp trong ngưỡng từ 1.500 đến 2.500 vòng/phút), kèm theo đó là hộp số tự động 6 cấp và hệ thống dẫn động 2 cầu với khả năng gài cầu không cần dừng. Nếu đem so sánh thì với các thông số như vậy, mẫu Ranger này hoàn toàn không có đối thủ trên thị trường Việt Nam hiện nay. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 10

Vô-lăng và các bàn đạp ga phanh của Ford Ranger không quá nhẹ nhàng, thay vào đó có độ nặng vừa phải và phù hợp với hình dáng, phong cách và tính chất của chiếc xe. Trong những nhịp ga đầu, Ford Ranger khá từ tốn do đặc trưng của động cơ diesel là tận dụng triệt để mô-men xoắn cao ở tốc độ quay thấp để tạo lực kéo, nhưng khi đã tạo xong đà và vượt ngưỡng tốc độ 40-50km/h, đạp ga cho tốc độ vòng tua lên hơn 2.000 vòng/phút, động cơ diesel 3.2 của Ranger tạo cảm giác bốc có thể nói là không khác gì một cỗ máy xăng. Vào xa lộ, cỗ máy này đưa chiếc xe có tự trọng lên đến gần 2 tấn lướt một cách êm ả.

Một điểm rất đáng chú ý của Ranger đó là dù trang bị động cơ diesel vốn có bản chất to nặng và ồn khi so với động cơ xăng, nhưng nhờ bộ khung và thân vỏ nổi tiếng cứng cáp của Ford và kỹ thuật phát triển động cơ diesel tốt, nên khả năng cách âm, hạn chế độ ồn của Ford Ranger là không thể chê được. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 11

Vì là dòng bán tải với thùng tải phía sau có tải trọng lên tới gần 900kg, Ford Ranger buộc phải sử dụng hệ thống treo dạng nhíp lá ở cầu sau. Với nhiều người thì hệ thống treo dạng này là “khó ưa” vì tạo cảm giác cứng, trong đó không ít người đang sở hữu các dòng pickup còn kháo nhau là nên chấp nhận tốn thêm một ít dầu, chở vài bao cát thường xuyên trên xe để xe đằm hơn. Tuy nhiên, người viết lại có cảm tình đặc biệt đối với những chiếc xe trang bị hệ thống treo dạng nhíp lá, bởi nó tạo cảm giác chắc chắn và an tâm. Cảm tình này thật ra cũng là xuất phát từ nhiều lần trải nghiệm với mẫu xe Ford Everest, vốn cũng sử dụng hệ thống treo nhíp lá ở cầu sau, nhưng với Ford Ranger thì rõ hơn. Dù quả đúng là hơi xóc nếu không chở nặng ở khoang tải và bất ngờ gặp ổ gà lớn, nhưng bù lại với những gợn nhỏ của mặt đường, hệ thống treo phía sau của Ranger tạo cảm giác khá thú vị, mà nếu mô tả hơi quá thì nó cũng na ná một chiếc xe thể thao sử dụng lốp thành mỏng và đặt giảm chấn ở chế độ cứng nhất (nếu giảm chấn điều chỉnh được) hoặc độ giảm chấn cứng lên.

Tất cả những mô tả trên đều chỉ mới đề cập đến các tình huống sử dụng thông thường hàng ngày của Ford Ranger. Còn trong lần trải nghiệm này với Ranger Wildtrak 3.2 AT 4x4, chúng tôi đã trải nghiệm chiếc xe ở nhiều điều kiện khác nhau như đồi cát và những đoạn “đường không ra đường”, nhờ sự yên tâm vào động cơ 3.2 mô-men xoắn lớn và hệ thống dẫn động 2 cầu. Và ở cả hai loại địa hình này, Ford Ranger thể hiện khả năng không thua kém gì các dòng xe off-road chuyên nghiệp, nhờ gầm cao, biên độ nhún lớn, góc tiếp cận ở mũi xe và góc thoát sau đuôi lớn. Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 12

Xét toàn diện, thì bản Ford Ranger cao cấp nhất này (cũng như các bản Ranger khác) chỉ có hai điểm bị xem là nhược điểm. Thứ nhất đó là hệ thống treo nhíp lá phía sau có phần hơi cứng như đã nói, nhưng đây là điểm không thể thỏa hiệp với một khoang tải có tải trọng lên tới 900kg. Điểm thứ hai là bán kính quay vòng tối thiểu lên tới 6,35m cộng với kích thước to lớn khiến Ford Ranger khó khăn khi xoay trở trong điều kiện chật chội, nhưng đây cũng lại là điểm không thể thỏa hiệp, bởi nếu muốn phong cách to lớn, rộng rãi, bề thế, chắc chắn thì buộc phải chấp nhận một ít khó khăn khi đi trong phố, tuy nhiên có một điều rõ ràng là những khách hàng đã và sẽ chọn mua Ford Ranger tất nhiên không chỉ để dạo quanh phố phường.

Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 13 Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 14 Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 15 Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 16 Ford Ranger Wildtrak 3.2 - Vua pickup ở Việt Nam ảnh 17

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/ford-ranger-wildtrak-32---vua-pickup-o-viet-nam

Bài đọc nhiều nhất