Công nghệ

Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3)

Theo chương trình của Ford Châu Á – Thái Bình Dương, lộ trình test Ford Everest 2016 tại Thái Lan dành cho các phóng viên Việt Nam dài tổng cộng khoảng 150km, bao gồm các điều kiện vận hành cơ bản như: cao tốc, đường đô thị, đèo dốc, lội nước, dốc đất trơn trượt... *P1: Ford Everest 2016: Những đánh giá tổng quan ban đầu *P2: Ford Everest 2016: Hệ thống động lực và tính năng off-road

Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 1

Một chặng lội suối nền đá lổng chổng trong sa hình lái thử xe off-road.

Các xe Ford Everest 2016 phải chạy theo đoàn và thứ tự quy định, tốc độ di chuyển của toàn đoàn được điều tiết bởi xe cảnh sát dẫn đường. Tất cả các ngã ba, ngã tư, lối rẽ... đều treo biển chỉ dẫn riêng của chương trình, các bối cảnh và tình huống giao thông phía trước đều được cảnh báo và hướng dẫn xử lý qua bộ đàm đặt trên từng xe.

Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 2


Chúng tôi được chia thành từng nhóm, 2 người đi 1 xe và lần lượt đổi lái, sau đó các nhóm lại đổi xe và tiếp tục đổi lái. Riêng trong sa hình off-road thì chỉ sử dụng xe 3.2L Titanium 4x4AT và mỗi phóng viên có thể đi qua lại nhiều vòng để tập trung cảm nhận từng chế độ và bối cảnh vận hành. Tại mỗi “nút” địa hình đặc thù Ford Châu Á – Thái Bình Dương đều cử người đứng hỗ trợ các lái xe và giúp họ cài đặt đúng chế độ được  thiết kế để vượt thử thách. Tóm lại, đây là một chương trình lái thử xe mẫu mực và cực kỳ chu đáo, an toàn. Vì thời gian và điều kiện tiếp cận xe hạn chế, bài viết sẽ tập trung mô tả tính năng và các trải nghiệm với Ford Everest 2016 phiên bản Titanium 3.2L.
Bộ ảnh các bối cảnh lái thử xe Ford Everest 2016 tại Chiang Rai - Thái Lan  

Trải nghiệm các tiện nghi và tính năng điện tử

Đến giờ khởi hành, tôi chủ động lên xe và ngồi vào ghế hành khách phía trước nhường trải nghiệm đầu tiên cho cô phóng viên cùng nhóm. Đã đọc kỹ chương trình nên tôi biết chặng đầu tiên sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng trên đường liên tỉnh, tốt nhất là ngồi bên cạnh nghe nhạc và tìm hiểu kỹ thêm bên trong chiếc Ford Everest 2016.
Đang đứng cạnh chiếc Ford Everest 2016 nổ máy, vừa bước lên xe và vừa sập cửa tôi thoáng ngạc nhiên vì khoang xe yên tĩnh lạ thường. Để kiểm tra xem tai mình có bị ù không, tôi hạ kính và được xác nhận thính giác bình thường bởi tiếng động cơ và huyên náo ùa vào từ cửa sổ. Tài liệu giới thiệu xe cho thấy, ngoài các lý do đến từ bộ gioăng cửa 2 lớp, kính chắn gió kiểu acoustic và các vật liệu chống ồn thụ động, phần lớn sự yên tĩnh này đạt được nhờ công nghệ Giảm ồn Chủ động. Theo đó, khoang xe được gắn 3 micro cực nhạy trên trần để đọc tần số cùng âm lượng tiếng ồn và gửi thông tin đến mô-đun tiêu âm chủ động theo thời gian thực. Mô-đun này sẽ phản hồi lại tức thì và liên tục bằng các sóng âm ngược pha nhưng cùng tần số nhằm triệt tiêu tiếng ồn. Các sóng âm giảm ồn chủ động được phát ra qua hệ thống âm thanh của xe và mặc định tập trung để triệt tiêu dải tần số của tiếng ồn động cơ hoặc bất kì âm thanh gây khó chịu nào trong khoảng 30-180Hz. Với hệ thống âm thanh của Ford Everest 2016, nhiệm vụ triệt tiêu tiếng ồn chỉ là “việc làm thêm”, chức năng chính của dàn âm thanh 10 loa tích hợp siêu trầm cao cấp là tái tạo các bản nhạc với chất lượng tuyệt vời.
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 18
Tình cờ trong túi máy ảnh có một chiếc thẻ SD chứa vài gigabyte nhạc, sau khi cắm nó vào khe đọc thẻ trên console, tôi chọn một album nhạc nhẹ hợp gu với mình là Paul Mauriat Instrumental Collection. Những track nhạc trong album này cũng rất phù hợp và quen thuộc để test những hệ thống âm thanh cao cấp, vì chúng là các file audio hi-res thể hiện các bản hòa tấu cực kỳ nhuần nhuyễn của nhiều lớp nhạc cụ, với phổ âm rộng và tràn ngập chi tiết lắt léo, đan xen cùng nhịp điệu đầy thử thách. Đó là những bản thu kinh điển như Aloette, Mamy Blue hay Toccata... mà tôi thuộc nằm lòng, có thể nghe một cách lơ đãng, không cần chú ý vào chi tiết nào mà vẫn biết dàn máy chơi hay hoặc dở. Và hệ thống âm thanh của Ford Everest nhận được điểm ưu trong thử thách dễ chịu này. Có lẽ chính hệ thống siêu trầm của Everest đã đảm nhiệm vai trò phát tín hiệu Giảm ồn Chủ động, vì cấu trúc này cũng hoạt động trong dải tần 30-180Hz, có như vậy chúng mới đảm bảo được tín hiệu tiêu âm không đối pha với sóng âm low-bass tích cực và không “giết nhầm” các nốt nhạc trầm. Màn hình cảm ứng 8 inch trên Ford Everest 2016 không chỉ phục vụ giải trí Multimedia mà còn có các chức năng Command DVD kết hợp với hệ thống SYNC 2 (điều khiển bằng giọng nói thế hệ mới). Màn hình này chia đều thành 4 phần gồm: Phone (quản lý kết nối smartphone), Navigation (la bàn số kết hợp dẫn đường vệ tinh), Climate (hệ thống điều hòa nhiệt độ 2 vùng phía trước) và Multimedia (hệ thống âm thanh 10 loa tích hợp loa siêu trầm cao cấp). Việc điều khiển và quan sát đồng thời 4 vùng chức năng trên màn hình cảm ứng rất dễ dàng và trực quan, giống như một chiếc tablet chạy đa nhiệm.
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 19
Màn hình cảm ứng 8 inch còn một nhiệm vụ quan trọng là hiển thị hình ảnh và khung định vị chuyển động phía sau xe trong chế độ lùi. Đặc biệt, khi đuôi xe tiến sát đến vật cản (tường đáy ga-ra, bồn hoa, gờ chặn bánh xe...) người lái còn có thể chạm vào màn hình để phóng to khoảng cách còn lại, rất hiệu quả. Mặt khác, khi chế độ đỗ xe tự động được kích hoạt thì màn hình này đóng vai trò trung gian tương tác giữa người lái và chiếc xe. Giao tiếp với chiếc xe qua hệ thống điều khiển bằng giọng nói SYNC™2 khá đơn giản và thú vị. Nếu như hệ thống SYNC thế hệ đầu đã khá tận tụy với các tính năng tìm bài hát, ca sỹ hay album nhạc, thực hiện cuộc gọi hay đọc tin nhắn đến... thì SYNC™2 còn chu đáo hơn. Ví dụ, SYNC™2 kết hợp với hệ thống dẫn đường vệ tinh để lắng nghe câu lệnh về điểm đến (hotel AB, airport XY, restaurant AZ...) và cung cấp lộ trình cho người lái bằng màn hình dẫn đường vệ tinh. Thú vị hơn, SYNC™2 giúp lái xe tạo nhật ký về các địa chỉ thường lui tới, sau đó truy cập chúng bằng các câu lệnh rất “dễ thương” như: My house, My Office, My coffee… Hơn thế, SYNC™2 còn biết tìm nhà hàng gần nhất khi nghe thân chủ than phiền “I’m hungry”, tìm bãi đỗ xe khi được lệnh “Find a Car Park”, dẫn đến trạm xăng gần nhất khi nghe yêu cầu “Find fuel station near here”. Khi SYNC™2 đã hoàn thành việc nghe lệnh và dẫn đường thì hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động sẽ giúp thân chủ đặt chiếc xe ngay ngắn vào chỗ phù hợp. Tóm lại, SYNC™2 giúp Ford Everest 2016 “cư xử” cực kỳ thân thiện và tận tụy với chủ xe, nếu khai thác tốt các tính năng thông minh của nó người ta sẽ cảm thấy gắn kết và thỏa mãn với chiếc xe như với một trợ lý đắc lực.

Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 20
Ngoài khả năng điều khiển xe thông qua màn hình cảm ứng 8 inch và hệ thống SYNC™2, người lái cũng có thể kiểm soát mọi thông tin liên quan qua hai màn hình LCD 4.2 inch – giống như một cặp smartphone nằm ngang 2 bên đồng hồ tốc độ hình tròn lớn. Việc truy cập tuần tự các thông tin trên 2 màn hình này được thực hiện qua 2 cụm phím điều hướng nằm ở bên tương ứng trên vô-lăng. Màn hình bên trái cung cấp thông tin cài đặt điện thoại, âm nhạc, kết nối... Màn bên phải hiển thị thông số hành trình như mức tiêu hao nhiên liệu, vòng tua động cơ, quãng đường đã đi... hay các chế độ dẫn động, tính năng địa hình, độ nghiêng, dốc... 
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 21
Chúng tôi rời xa lộ liên tỉnh để rẽ vào một đường nhánh nhỏ và xấu hơn, lúc này mặt đường nhiều ổ gà và xe khá dằn xóc. Với cấu trúc body - on - frame (thân - trên - khung) dùng chung với chiếc bán tải Ford Ranger, được thiết kế với các yêu cầu đa nhiệm, đặc biệt là tải trọng lớn cùng tính năng địa hình thực thụ, đương nhiên Ford Everest 2016 phải thỏa hiệp với một hệ thống giảm xóc cứng cáp. Điều này phản ánh rõ trên mặt đường xấu, chiếc xe điềm nhiên băng qua những ổ gà lớn nhỏ, đường đá hộc hay gờ giảm tốc với độ cứng vững đáng nể nhưng nó cũng dội thẳng những dằn xóc đó vào lữ khách, nếu phải đi một chặng dài trong điều kiện này thì sẽ khá mệt. Mà gằn xóc cũng phải thôi, vì mỗi xe đều chỉ chở 2 người (20% tải trọng), nếu được chất tải gần đến ngưỡng thiết kế (750kg) thì chắn chắn chuyến đi sẽ đầm êm hơn. May cho tôi là chặng này cũng đã kết thúc ở một điểm đổi lái có cái tên rất Việt là "Đồi Hang".  

Cảm nhận tính năng điều khiển và an toàn chủ động

Chuyển ghế lái cho tôi, cô phóng viên còn dặn “Anh ngồi thử mà xem, chỗ để chân kích lắm!”. Quả nhiên, dân ta ngồi trên ghế lái xe tay lái nghịch sẽ thấy hơi gò bó, vì đầu gối trái vướng vách đứng của bệ trung tâm nên không mở rộng được. Trong khi đó, với xe tay lái thuận, chân ga nằm phía vách đứng giữa, còn đầu gối chân trái được mở rộng ra phía hốc lõm trên lòng cánh cửa. Dù sao thì đây cũng chỉ là cảm nhận từ thói quen, dân Thái đi xe tay lái nghịch chắc cũng quen với chiếc xe của họ.
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 22
Chúng tôi đi tắt qua một con đèo nhỏ, đường rất hẹp và quanh co. May mà xe dẫn đường luôn cập nhật các thông tin phía trước kiểu như: “xe máy đi ngược chiều”, “xe tải đỗ chiếm lòng đường”, “giảm tốc vào cua gấp”... giúp chúng tôi chủ động tiếp cận tình huống. Ford Everest 2016 rất dễ lái, có vóc dáng không quá “cao to”, tôi nâng ghế hết cỡ và vẫn đạt được tầm nhìn kiểm soát tốt cả 2 góc mũi xe. Chỉ sau vài góc cua tôi đã quen xe và dễ dàng đặt vệt bánh vào đúng “dấu chân” người đi trước. Trên công lộ thì đặt bánh xe chính xác vào đâu không quá quan trọng, nhưng trong các chặng off-road thì hậu quả của việc đi chệch một vệt bánh có thể rất khó đỡ.
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 23 Vì đi cả một đoàn vài chục xe trên các đèo dốc hẹp quanh co, nên ở giữa rừng mà chẳng khác nào cảnh tắc đường trong phố. Khi các xe dồn sát vào nhau ngang lưng đèo, tính năng hỗ trợ xuất phát trên dốc được dịp phát huy tác dụng, phanh được tự động giữ thêm vài giây để lái xe kịp chuyển chân sang ga mà xe không trôi ngược vào “mũi người khác”. Chẳng thế mà các bài thi sát hạch tay lái thường có phần phanh dừng và xuất phát trên dốc. Thời xưa kỳ thi lấy bằng lái sử dụng xe số tay, chúng tôi phải phối hợp thao tác giữa phanh tay – côn và ga nhịp nhàng, nếu không là chết máy, trôi xe và... trượt thẳng cẳng.
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 24
Được chuyên gia Ford giới thiệu về tính năng Kiểm soát Góc cua, tranh thủ đường thoáng và chiếc xe phía trước chạy khuất tầm mắt tôi thử đưa Everest vào thử thách ôm cua 80km/h. Quả nhiên, ngay bánh xe vừa bắt đầu miết xào xạo trên mặt đường, tốc độ được tự động kiềm chế như được rà phanh rất khéo và chỉ số vòng tua cũng giảm xuống êm dịu. Vẫn với tốc độ đó, một cú níu/nhả nhanh tay lái cũng cho thấy hệ thống ổn định điện tử (ESP) can thiệp nhẹ nhàng, xe không bồng bềnh mà vẽ một đường lượn tuyến tính để trở lại làn cũ, rất ổn. Vì chạy xe trên công lộ, lại ở nước ngoài, tôi chỉ dám test nhẹ các tính năng an toàn để cảm thấy chúng “có mặt”, chứ không muốn đẩy chiếc xe đến giới hạn khẩn cấp và nguy cơ. Muốn cảm nhận hết ngưỡng xử lý của chiếc xe thì nên lái thử trong các sa hình được chuyên gia set-up cẩn thận, hoặc trong đường đua an toàn.
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 25

Cũng vận hành dựa trên nền tảng của hệ thống ESP, tính năng Kiểm soát Chống lật (ROM) có nguyên lý hoạt động tương tự trường hợp cần Kiểm soát Góc cua. ROM có thêm cảm biến con quay để phát hiện trường hợp góc bẻ lái quá lớn và đột ngột ở tốc độ không phù hợp, gây ra quán tính chuyển động vuông góc với trục dọc thân xe, dẫn đến nguy cơ lật ngang. Khi đó, hệ thống sẽ lập tức kích hoạt ESP nhằm kiềm chế vô-lăng và áp dụng lực phanh hợp lý trên từng bánh xe, hóa giải nguy cơ mất trọng tâm.

Để “yêu cầu” tính năng Kiểm soát hành trình chủ động (ACC - Adaptive Cruise Control) xuất đầu lộ diện thì dễ và an toàn hơn. Sau khi được kích hoạt từ nút bấm trên vô-lăng, hệ thống cho phép người lái cài đặt khoảng cách an toàn với xe phía trước, cài đặt tốc độ mặc định (ga tự động) hoặc giới hạn tốc độ tối đa (Limit). Cài đặt xong, người lái gần như chỉ còn việc giữ vô-lăng cho xe đi đúng làn đường mình muốn, chân ga và phanh đều chỉ đặt hờ. Khi khoảng cách với xe phía trước bị thu hẹp tới ngưỡng an toàn đã cài đặt, Ford Everest 2016 ngoan ngoãn giảm vòng tua máy và tự động rà phanh để giữ đều cự li. Nếu làn đường phía trước được giải phóng xe lại tiếp tục chạy với tốc độ đã định. Khi cả đoàn xe giảm tốc, khoảng dưới 5km/h, chế độ ACC có vẻ như đã tự động vô hiệu, vì nó cho phép tôi chạy sát xe trước hơn và phải chủ động đạp phanh khi muốn dừng lại.

Tính năng Cảnh báo Va chạm phía trước (FA - Forward Alert) cũng sử dụng chung nền tảng với hệ thống ACC. Khi cảm biến khoảng cách phát hiện gia tốc rút ngắn cự li quá nhanh, nó xác định đó là trường hợp xuất hiện vật cản hay nguy cơ va chạm phía trước, hệ thống sẽ lập tức phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh và ánh đèn nhấp nháy trên kính chắn gió, đồng thời tự động chuẩn bị lực để hỗ trợ phanh gấp (BA) kịp thời và hiệu quả.

ACC là công nghệ được nâng cấp từ cấu trúc Cruise Control cơ bản, đây là tính năng rất đáng giá trên Ford Everest 2016. Công nghệ an toàn chủ động này sẽ phát huy hiệu quả trên các đường cao tốc dành riêng cho ôtô ở Việt Nam, giúp người lái điều khiển xe nhẹ nhàng, tiện nghi và an toàn hơn. Một tính năng mở rộng của hệ thống này cho phép lái xe cài đặt giới hạn tốc độ tối đa, thông qua phím bấm Lim và Set (+;-) trên vô-lăng để cài ngưỡng tốc độ mong muốn. Đây cũng là một công cụ hữu dụng trong bối cảnh máy bắn tốc độ nhan nhản trên công lộ Việt Nam. Ví dụ xe đang chạy ngoài thành phố ở 80km/h, gặp biển báo “nội đô” lái xe chỉ việc bấm Lim và nháy phím Set (-) về ngưỡng 50km/h là có thể thư giãn không lo bị phạt vì lỡ chân nhấn ga quá tốc độ mất 5-10%. Khi hết vùng nội đô hay cần tranh thủ vượt nhanh một xe cùng chiều, lái xe cũng chỉ cần nháy nhanh và sâu chân ga là chế độ Lim sẽ tự động vô hiệu.

Công tắc xi-nhan của Ford Everest 2016 được tích hợp thêm nút kích hoạt Hệ thống cảnh báo làn đường (Lane Keeping System - LKS). LKS nhắc nhở người lái khi có biểu hiện chệch làn mà không bật xi-nhan xin đường, do mất tập trung hoặc buồn ngủ. Thông điệp cảnh báo đầu tiên là một tách cafe nóng hiện trên bảng đồng hồ hàm ý lịch sự là “bạn cần tỉnh táo hơn, nghỉ tay uống nước đi!”. Nếu xe vẫn tiếp tục lệch làn hệ thống sẽ phát âm thanh cảnh báo và rung vô-lăng để “đánh thức” tài xế, mức độ sau cùng là LKS sẽ tác động một lực nhẹ vào vô-lăng để đưa chiếc xe trở lại làn đường ban đầu (nếu việc đi lệch làn là ý định chủ động, người lái vẫn có thể cưỡng lại lực hỗ trợ này). Tuy nhiên, với điều kiện giao thông hỗn hợp ở Việt Nam, rất ít khả năng giữ xe chạy ổn định lâu trên 1 làn đường, mặt khác các vạch phân làn ở ta cũng chẳng mấy khi được sạch sẽ và rõ nét để hệ thống này làm việc hiệu quả.

Everest 2016 còn được trang bị hệ thống cảm biến kiểm soát vùng khuất (điểm mù) mà người lái không thể quan sát qua gương chiếu hậu. Khi có phương tiện xuất hiện trong vùng này, đèn báo điểm mù tích hợp ở mép gương ngoài sẽ nháy sáng. Thực ra, nếu là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng và hiển thị trong ca-bin thì dễ khiến lái xe chú ý hơn. Nhưng xét cho cùng thì khi di chuyển trong đô thị Việt cùng vòng vây xe máy trùng điệp, tín hiệu này sẽ chẳng bao giờ tắt và như vậy người lái cũng sẽ quen với việc "lờ" cảnh báo này đi.

Hầu hết các công nghệ thông minh, tính năng an toàn của Ford Everest 2016 nói riêng và xe hơi hiện đại nói chung, đều hướng tới mục tiêu giúp người lái tập trung vào lộ trình thay vì dò dẫm tìm các nút điều khiển. Điều này thể hiện rất rõ nét trên Everest mới, ví dụ cần gạt mưa sẽ được kích hoạt tự động ngay khi có dấu hiệu mưa hoặc nước trên kính và điều chỉnh tần số quét tùy thuộc tốc độ xe và lượng nước rơi trên kính chắn gió. Hệ thống đèn pha trước cũng tự động bật khi xe vào đường hầm hay khi môi trường thiếu sáng. Chưa hết, xe còn được trang bị các cảm biến giám sát áp suất lốp, chúng sẽ cảnh báo người lái khi áp suất lốp xe thấp hơn 20% so với tiêu chuẩn. Giữ áp suất lốp đúng chuẩn sẽ giúp lái xe an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải CO2 đồng thời khiến lốp xe bền bỉ hơn.

Công nghệ hỗ trợ đỗ xe chủ động trên Everest mới hoạt động tương tự tính năng trên phiên bản Ford Focus hiện tại. Sau khi được kích hoạt, xe tự động tìm vị trí đỗ dọc (kế tiếp nhau) lề đường và tự động đánh lái vào vị trí đã xác định, người lái chỉ cần chuyển số và phanh theo hướng dẫn từ hệ thống. Tất nhiên là đối với chất lượng hạ tầng giao thông và hiện trạng dừng đỗ xe cẩu thả ở đô thị Việt Nam, các chủ xe Everest sẽ có ít cơ hội dùng đến tiện nghi sang trọng này.

Hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động có chi phí sản xuất không hề rẻ và đã được tính vào giá thành xuất xưởng, sẽ là lãng phí tiền của khách hàng khi họ không sử dụng được nó như mục đích thiết kế. Đối với một số tính năng khác, ví dụ LKS hay cảnh báo điểm mù trên gương, cũng vậy. Đây là một thiệt thòi phổ biến trên toàn thị trường ôtô của ta, vì tất cả các mẫu xe hơi đều được nghiên cứu - phát triển dựa trên nhu cầu của các thị trường lớn và phát triển, chứ không "đối phó riêng" với điều kiện giao thông phức tạp ở Việt Nam.

Ford Everest 2016 cũng là một chiếc xe mẫu mực về an toàn thụ động, ngoài ca-bin và cánh cửa tăng cứng và cấu trúc hấp thụ xung lực phía trước, có tới 7 túi khí được trang bị ở phía trước, hai bên, cửa sổ (rèm) và đầu gối giúp bảo vệ toàn diện cả lái xe và hành khách trong trường hợp xảy ra va chạm hay thậm chí lật xe.

Ford Everest 2016 vượt thử thách off-road một cách xuất sắc

Rời công lộ, chúng tôi rẽ vào ngôi làng khá hẻo lánh thuộc dân tộc ít người của Thái. Tại đây, Ford Châu Á – Thái Bình Dương đã thiết lập một sa hình lớn, bao gồm các bối cảnh địa hình đặc trưng như đường gồ ghề, lên/xuống dốc cao trơn trượt, lội ngầm – vượt suối, cua gấp trên dốc, bùn lún...
Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 26
Đây chính là phần nhiều cảm hứng nhất của chương trình lái thử xe và cũng là lúc Ford Everest 2016 3.2L Titanium thể hiện được phẩm chất cao cấp về sức mạnh và khả năng chinh phục địa hình. Ảnh minh họa 4 chế độ địa hình thường gặp
Thử thách đầu tiên là một con suối nhỏ cắt ngang đường, bình thường mà nhìn dòng nước chảy xiết không thấy đáy rộng bằng cả thân xe như vậy, tôi sẽ không đời nào lao xuống. Nhưng trên bờ suối đã có sẵn một nhân viên của Ford hướng dẫn cài lại tỷ số truyền động 4L, khóa vi sai cầu sau, chọn chế độ trơn trượt (tuyết, cỏ, bùn) và... chúc may mắn. Vậy là tôi cùng chiếc xe “nhảy ùm” xuống rồi leo tót lên bờ bên kia, chưa kịp biết bánh có chạm đáy suối hay không. Dễ quá. Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 31
Ngay bên kia bờ suối là một con dốc dựng đứng chạy thẳng lên đồi. Vấn đề là mặt đường đất đã bị xẻ thành các rãnh sâu hoắm ngoằn ngoèo và nát bấy do nhiều lượt xe đi trước vượt suối kéo nước lên theo. Vẫn giữ nguyên cài đặt lúc xuống suối, tôi cho xe bò chầm chậm lên. Cài đặt chống trơn trượt rất hiệu quả, xe duy trì được độ bám đường nhờ mô-men xoắn mạnh mẽ và tốc độ vòng tua thấp. Hơn nữa, pê-đan ga đã tự động giảm độ nhạy giúp tôi không bị lỡ chân tăng ga – làm trượt bánh, mất độ bám và đổi hướng thân xe. Chiếc Everest mới cứ thế chầm chậm, lì lợm bò lên hết con dốc mà tôi hầu như chỉ có mỗi việc giữ tay lái. Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 32
Trên đỉnh đồi, chúng tôi gặp một chuyên gia khác của Ford, vì chiều xuống dốc rất gắt và vực lại ở phía ngoài góc cua, anh này đề nghị chúng tôi giữ nguyên cài đặt 4L cùng chống trượt, bỏ khóa vi sai cầu sau và cài thêm chế độ Hỗ trợ đổ dốc. Bây giờ tôi còn không cần dùng đến chân ga, chỉ việc lái và điều chỉnh tốc độ bằng bộ phím trên vô-lăng, nằm ngay ngón cái tay phải. Khi lên dốc ta thấy mặt đường phía trước rõ hơn, thân được tỳ vào lưng ghế vững vàng và quan trọng nhất về tâm lý là ta đã biết rõ “điểm đáy” mà mình vừa từ đó đi lên. Lúc xuống dốc luôn có cảm giác bất an hơn khi lên, vì sự đe dọa của đáy vực sâu hút mà ta chưa và không hề muốn biết. Trong khi đó, độ dốc xuôi khiến lưng ta phải rời tấm dựa còn mặt đường phía trước thì mất hút ngay dưới mũi xe – rất hụt hẫng. Ford Everest 2016: trải nghiệm vận hành và an toàn chủ động (P3) ảnh 33

Ấy thế mà chiếc xe cũng tự bò xuống an toàn, tôi chỉ phải lái ở mỗi góc cua, thậm chí nút chỉnh tốc độ cũng chỉ bấm 1 lần – đặt 5km/h lúc bắt đầu xuống.

Sau mấy thử thách căng thẳng ban đầu, những địa hình sau đó trở nên quá đơn giản. Tôi nhanh chóng đưa xe qua các đoạn đường gồ ghề, lội suối có đáy đá lổng chổng... và kết thúc vòng thứ nhất. Cứ thế, tôi “duyệt” sa hình nói trên cùng Ford Everest 2016 đến 3 lần cho thật nhuần nhuyễn rồi trả lại ghế lái cho cô bạn đồng hành.

Sau những trải nghiệm ban đầu, phải thừa nhận là Ford Everest 2016 kết hợp được một cách cân đối khả năng off-road xuất sắc và cảm giác lái thoải mái trên đường phố. Điểm đáng khen nhất là, dù ở địa hình khó khăn hay đường cao tốc, chiếc xe luôn vận hành cực kỳ an toàn và tin cậy. Với các phẩm chất rất cao cấp về an toàn chủ động và chinh phục địa hình, Ford Everest 2016 sẽ thỏa mãn được cả những yêu cầu khắt khe của các tay lái lâu năm lẫn sự tán thưởng của những tay lái mới.

Cơ hội trải nghiệm Ford Everest 2016 trên đất Thái khá ngắn ngủi, vì lộ trình 150km phải chia ra làm 6 phần (2 loại xe, 2 phóng viên và on-road/off-road). Để thấy hết sự hay dở của một mẫu xe nhiều cải tiến thông minh như Ford Everest, phải có một chuyến đi tầm cỡ xuyên Việt mới đủ. Tuy vậy, trong vài giờ “cưỡi hoa, xem ngựa” tôi cũng có đôi chút thiện cảm ban đầu với sản phẩm chiến lược của Ford Châu Á – Thái Bình Dương. Nói là ngang ngửa Highlander của Toyota hay Pilot của Honda thì hơi quá vì kích cỡ và thứ hạng đó xứng tầm với đàn anh Ford Explorer hơn, nhưng về mặt tiện nghi công nghệ và an toàn thì Ford Everest không chịu lép vế mấy cái tên đình đám nói trên và bứt lên trên nhóm đối thủ cũ Fortuner và Pajero Sport tại thị trường Việt. Chỉ còn vấn đề về giá cả, sự ổn định và độ bền là chưa khẳng định được, nhưng mẫu xe mới này cũng đã được “bảo lãnh tư cách” bởi Ford Everest đời trước và Ford Ranger cùng thế hệ. Do vậy, nhiều khả năng Ford Everest 2016 sẽ dành được niềm tin và thị phần xứng đáng trên thị trường xe hơi Việt.

Video họp báo và lái thử xe Ford Everest 2016 tại Thái Lan

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/ford-everest-2016-trai-nghiem-van-hanh-va-an-toan-chu-dong-p3