So với nhiều mẫu mô tô khác cùng hãng, Honda CB500F dù là một mẫu naked bike cho người mới chơi nhưng lại có động cơ "bốc" và đem tới trải nghiệm rất thú vị.
Hiện nay trên thị trường, phân khúc mô tô phân khối lớn (PKL) dành cho người mới chơi đang không thiếu các sự lựa chọn khác nhau như Yamaha R3/MT-03, KTM 390 Duke/RC390, BMW G 310 series hay Kawasaki Z400/Ninja 400. Trong những năm qua, các dòng xe này đã trở nên nổi tiếng trên toàn Thế giới và cũng rất được biker Việt ưa chuộng bởi mức giá hợp lý và các đặc tính điều khiển/sử dụng thân thiện. Tuy nhiên, có thể thấy dù là một hãng xe lớn nhưng dấu ấn của Honda trong phân khúc này lại không nổi bật so với đối thủ.
Trên thực tế trong số các hãng xe Nhật, Honda lại là một trong những người đầu tiên tập trung thâm nhập vào phân khúc mô tô dành cho người mới làm quen với PKL - chỉ sau Kawasaki với chiếc Ninja 250 (sau này là Ninja 300). Nhưng khác với mọi nhà sản xuất còn lại trong phân khúc, Honda không “mặn mà” lắm với hạng xe từ 250-400cc trên Thế giới, thay vào đó hãng vượt lên hẳn phân khối lên 471cc với series xe 500 của mình.
Vào năm 2013, Honda đã lần đầu tiên tung ra bộ ba mô tô hạng trung gồm naked bike CB500F, adventure CB500X và sportbike CBR500R. Kể từ đó tới nay, chúng đã được rất nhiều người mới làm quen với mô tô phân khối lớn trên Thế giới lựa chọn bởi động cơ bền bỉ, dễ lái, thiết kế đẹp và mức giá hợp lý. Tại triển lãm EICMA 2018 năm vừa qua, cả 3 mẫu xe này vừa có những nâng cấp lớn, khiến chúng càng trở nên hấp dẫn hơn về mọi mặt.
Trước đây từng được một số ít người chơi xe biết đến, cả 3 mẫu xe 500cc nêu trên chỉ thực sự trở nên phổ biến hơn khi Honda Việt Nam chính thức nhập khẩu và phân phối chúng từ năm ngoái. Nhờ đó chỉ sau 1 năm, các biker Việt đã được đón nhận những phiên bản mới nhất của chúng ở gần như cùng một thời điểm so với phần còn lại ở Thế giới. Trong bộ ba này, 2 phiên bản CB500F naked bike và CB500X được nhiều khách hàng quan tâm hơn cả bởi các đặc tính vận hành khá phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam. Và nhân vật chính trong bài trải nghiệm ngày hôm nay của xedoisong.vn cũng là một chiếc Honda CB500F mới nhất, vừa mới chỉ được mở bán tại nước ta vào tháng 5 vừa qua.
Thiết kế: Trong những năm gần đây, Honda đã có một cuộc “lột xác” về thiết kế khi tung ra hàng loạt những mẫu xe thuộc đủ phân khúc với kiểu dáng ấn tượng. CB500F 2019 cũng không phải là một ngoại lệ - dù chỉ được nâng cấp dựa trên thế hệ cũ nhưng chiếc xe đã có thiết kế gần như được đổi mới hoàn toàn. Vẻ ngoài mới không chỉ tạo sự khác biệt so với CB500F 2013-2018, mà còn khiến chiếc xe trở nên dữ dằn như một mẫu streetfighter thay vì chỉ đơn thuần là naked bike. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, CB500F mới đã gây ấn tượng bởi đầu đèn góc cạnh và đầy vẻ “nguy hiểm” như một bộ mặt quỷ. Những đưòng nét ở phần đầu được tiếp nối bởi bình xăng dung tích lớn 17,1l được cánh gió hai bên cắt xẻ sắc xảo, gọn gàng. Đúng nghĩa “naked bike”, Honda đã để lộ hoàn toàn khối động cơ của CB500F mà không sử dụng bất kỳ một tấm ốp che phủ nào, giúp chiếc xe trông cơ bắp khỏe khoắn hơn rất nhiều. Ngoài phần đầu, đuôi sau có lẽ là khu vực đẹp nhất trên CB500F 2019. Không chỉ được vuốt nhọn về phía sau, Honda còn tích hợp cặp hốc gió hai bên khá giống một số mẫu superbike như Ducati Panigale series hay Yamaha R1 thế hệ mới. Là một mẫu xe hướng tới người mới làm quen PKL, hãng còn khéo léo tạo ra các hốc nắm tay để dắt xe ở dưới đuôi. Tay dắt chỉ là 1 trong 2 chi tiết thân thiện với người sử dụng ở khu vực đuôi xe. Mở yên cho người ngồi sau lên, bạn sẽ bị ấn tượng bởi hộc chứa đồ có kích thước rất lớn ở phía dưới. Không to như cốp của những chiếc xe ga, nhưng hộc chứa đồ dưới yên này vẫn đủ lớn để nam giới - nhóm khách hàng chính của chiếc xe đựng mọi vật dụng cá nhân thường ngày như hộp kính, ví, găng tay, khẩu trang… Hộc chứa đồ sau đuôi CB500F khá rộng và sâu, nhưng để lọt bùn đất do vỏ không kín. Tuy nhiên do phần đuôi không được làm kín hoàn toàn, người dùng vẫn nên hạn chế để các món đồ điện như smartphone hay sạc dự phòng vào hộc chứa đồ này trong ngày mưa hay thường xuyên di chuyển trên đường ướt. Giống như những chiếc mô tô phân khối lớn khác, phần yên cho người ngồi sau được tích hợp đai nắm tay dắt xe. Nhưng khá đáng tiếc khi phần đai này trên CB500F lại quá dài, trông thừa thãi và ảnh hưởng tới vẻ đẹp của đuôi xe.
Giống như phiên bản cũ, CB500F sử dụng cặp vành thiết kế 6 cánh kép đẹp mắt với vành trước rộng 3,5 inch và sau 4,5 inch, đi kèm lốp 120/70/17 và 180/60/17. Tuy nhiên thay vì bảng đồng hồ được “bê nguyên” từ Honda MSX125 như trước đây, chiếc xe đã có màn hình hiển thị LCD dạng âm bản tương tự các dòng Honda 650 cao cấp hơn. Đồng hồ này hiển thị đầy đủ thông tin như tốc độ, tua máy, odo, trip, xăng, nhiệt độ, số,… tuy nhiên lại khá khó nhìn khi chạy xe dưới nắng. Toàn bộ hệ thống đèn trên xe sử dụng bóng LED, đem tới sự hiện đại cũng như tiết kiệm điện và có tuổi thọ cao hơn so với đèn sợi đốt. Nhìn chung, thiết kế tổng thể của CB500F 2019 đã khắc phục được vẻ ngoài chưa được “hiếu chiến” của phiên bản cũ, trong khi vẫn giữ lại được và thậm chí là tăng tính tiện dụng. Những đặc điểm này khiến chiếc xe dễ dàng “ghi điểm” trong mắt của các biker có ý định sống chung hàng ngày với một mẫu mô tô PKL.
Tính công thái: Một tin vui cho những người có chiều cao khiêm tốn định sở hữu CB500F đó là chiếc xe ngồi rất thoải mái. Không chỉ có chiều cao yên thấp chỉ 785mm, phần yên người lái còn được gọt thuôn lại hai bên hông để không bị bành ra, giúp cho người tầm 1m6 cũng có thể dễ dàng chống chân. Tuy nhiên nếu nhỏ con, bạn vẫn cảm thấy hơi “ngợp” khi ngồi trên xe bởi bình xăng to thiết kế gồ lên cao. Không chỉ có yên xe, tay lái của CB500X cũng đem tới cảm giác tự tin. Tư thế ngồi hơi chúi về phía trước 8 độ kiểu streetfighter và ghi đông có góc lái rộng giúp người lái dễ dàng xoay trở. Gác chân đặt thấp khiến hai đầu gối người lái không ôm lấy bình xăng như những mẫu mô tô phân khối lớn khác. Điểm gợn này giảm bớt cảm giác hòa hợp giữa xe và người lái khi điều khiển.
Động cơ:
Giống như trước đây, CB500F vẫn sử dụng động cơ hai xi lanh thẳng hàng 471cc làm mát bằng chất lỏng chung với CBR500R và CB500X. Tuy nhiên, Honda đã thay đổi một chút khối động cơ này nhằm đạt công suất và mô-men xoắn lớn hơn 4% ở dải tua máy từ 3.000 tới 7.000rpm.
Điều này có được là nhờ vào các xú-páp "đóng" trước 5 độ và dài hơn 0,3mm; đường gió được tối ưu lại bởi ắc quy đặt cách hộp gió 44,1mm thay vì chỉ 13,4mm như đời cũ; lon pô với 2 đường xả, các chi tiết tỏng động cơ giảm ma sát. Có công suất 48 mã lực và mô-men xoắn 43Nm, động cơ này nay còn có hộp số 6 cấp với ly hợp chống khóa bánh khi dồn số gấp. Những con số này trên thực tế không chênh nhiều so với những mẫu mô tô tầm 400cc, nhưng điều quan trọng là chúng có thể đạt được ở vòng tua thấp hơn hẳn. Nhờ dung tích lớn hơn, công suất tối đa có thể đạt được chỉ từ 8.600rpm và mô-men xoắn đạt 43Nm tại 6.500rpm. Để dễ so sánh, chiếc Kawasaki Z400 cũng với động cơ 2 xi-lanh thẳng hàng DOHC với dung tích nhỏ hơn là 399cc đạt 45 mã lực, nhưng phải kéo tua tới 10.000rpm và mô men xoắn chỉ 38Nm tại 8.000rpm. Nhờ sức mạnh và lực kéo đến khá sớm, khối động cơ của CB500F đem tới cảm giác khác biệt so với kiểu mượt mà và khá “hiền” của nhiều mẫu mô tô Honda khác. Nếu giữ định kiến này về Honda, bạn sẽ bị bất ngờ và thậm chí là giật mình bởi độ “bốc” ở dải tua thấp và trung của CB500F. Ở số 1 tua máy có vẻ hơi ngắn, nhưng khi đá lên số 2 độ vọt của CB500F như thôi thúc người lái tiếp tục lên số để lao về phía trước đạt được công suất cực đại. Nếu so với một số mẫu xe PKL với động cơ xi-lanh đơn, “nước đề” của CB500F không mãnh liệt bằng. Tuy nhiên có thể chắc chắn rằng nó kích thích hơn bất kỳ đối thủ với máy 2 xi-lanh nào ở tầm dưới 500cc trở xuống hiện nay. Và khi duy trì ở tua cao với số cao, xe vẫn không bị gằn hay phát ra những âm thanh ồn ào trong cục máy. Thử nghiệm tốc độ của CB500F ở một vài đoạn đưòng vắng không người, chỉ cần kéo nhẹ ga là chiếc xe đã có thể dễ dàng đạt 140km/h. Vận tốc tối đa mà CB500F có thể đạt được là khoảng trên 185km/h.
Một điểm cộng nữa của CB500F đó là côn số hoạt động kỳ mượt mà và nhẹ nhàng. Đặc biệt tay côn của xe đem tới cảm giác nhẹ không khác gì bạn đang đi một chiếc xe côn tay 150cc. Bộ nồi chống trượt bánh (Assist & Slipper clutch) và thiết kế bộ ly hợp tối ưu mang đến sự trơn , êm ái và thuận tiện trong việc lên xuống số.
Cảm giác lái:
Với máy “bốc” và tư thế ngồi thoải mái, đường phố là nơi CB500F thể hiện đúng phẩm chất của mình và đem tới những cảm xúc mãnh liệt nhất cho người lái. Ghi-đông với độ rộng vừa phải, chiều cao khá lớn và góc lái rất rộng khiến bạn có thể dễ dàng luồn lách trong đường phố chật hẹp cùng CB500F. Tuy có trọng lượng ướt của xe là 190kg và vóc dáng đồ sộ nhưng nhờ tay lái linh hoạt, CB500F đem tới cảm giác dễ “xào chẻ” như một mẫu xe côn tay phân khối nhỏ. CB500F có thừa sức mạnh để có những cú bứt tốc thoát ra khỏi những đoạn đường đông đúc một cách nhanh chóng, nhiệt độ xe khi phải lưu thông với đường đông đúc không quá nóng. Nhưng vào giờ cao điểm, và đường tắc kẹt cứng, máy xe sẽ nhanh chóng nóng lên và ép quạt gió hoạt động. Giống như những chiếc mô tô PKL khác, việc chạy CB500F trong tình huống này không phải là một ý hay.
Sau khi đã trải nghiệm chiếc xe trong thành phố, tôi đã quyết định thử sức thêm CB500F bằng một hành trình ngắn trong ngày tới Vườn quốc gia Ba Vì. Chỉ cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, đây là địa điểm nghỉ dưỡng được ưa chuộng bởi không khí trong lành và nhiều danh lam thắng cảnh ấn tượng. Đặc biệt dù không rộng và đẹp như Tam Đảo, nhưng những khúc cua với mặt đường hẹp, độ dốc lớn và bề mặt có thể đọng cát/bùn đất trôi từ núi xuống sau mỗi cơn mưa tại Vườn quốc gia sẽ là thử thách khó khăn nhưng thú vị dành cho cả chiếc xe lẫn “tay nài”. Con đường dễ nhất để tới Vườn quốc gia Ba Vì là chạy thẳng theo hướng đại lộ Thăng Long và rẽ về Sơn Tây. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp ghé thăm Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam trên lộ trình tới Vườn. Đa số lộ trình sẽ di chuyển trên đường quốc lộ thẳng đẹp, dù vẫn còn có một số đoạn mấp mô và bị biến dạng do nhiều xe chở quá tải thường xuyên băng qua. Và ở điều kiện đường này, CB500F đã bắt đầu bộc lộ những điểm yếu đầu tiên của mình. Phuộc trước có 2 núm chỉnh tải trọng. Gặp những con đường quốc lộ xấu, hệ thống phuộc của xe làm việc không ăn khớp với nhau. Dù đường kính ti trong của phuộc CB500F lên tới 41mm nhưng do lò xo quá mềm, chiếc xe tỏ ra thiếu ổn định lúc băng qua những ổ gà/gờ giảm tốc và đầu dao động nhẹ khi chạy ở tốc độ cao. Ở đời xe 2019 này, Honda đã bổ sung thêm núm vặn điều chỉnh tải trọng cho phuộc trước. Tuy nhiên chi tiết này không có nhiều tác dụng. Phuộc sau cũng chỉ chỉnh được tải trọng, nhưng có ưu điểm so với những chiếc mô tô khác là được che chắn khá kỹ để tránh bị bẩn bởi bùn đất bắn vào. Ngay cả khi chỉnh phuộc trước ép lò xo tối đa để cứng hơn, hệ thống treo trước của CB500F vẫn rất mềm. Trong khi đó, phuộc sau qua nhiều đoạn mấp mô lại nảy hồi rất nhanh, không có độ giữ nhất định khi có lực tác động trên lên. Điều này kiến phần đuôi xe nảy tưng tưng lên mỗi khi chạy xe qua những đoạn đường xóc ở tốc độ tương đối cao. Do phuộc sau cũng có khả năng điều chỉnh tải trọng, nhược điểm trên có thể khắc phục được phần nào. Ngoài ra, có vẻ như bộ khung thép ống phi 35mm của CB500F vẫn chưa đủ hiệu quả để hạn chế những rung động của khối động cơ gần 500cc truyền lên người lái. Không cần chạy ở tốc độ cao, kể cả ở tốc độ trung bình chiếc xe cũng có độ rung lớn. Sự rung động có thể cảm thấy rõ ở ghi đông và bình xăng, đem tới cảm giác tê mỏi khi di chuyển nhiều giờ trên đường dài. Lên đến con đường núi khúc khủyu dẫn tới đền Thượng thuộc Vườn quốc gia Ba Vì, CB500F đã thể hiện khả năng kiểm soát khá tốt. Ở những khúc cua có độ dốc lớn và hẹp, chiếc xe xử lí chúng rất mượt mà. Trước mỗi khúc cua tôi thường cố tình dồn số gấp để nhanh chóng hãm tốc, và bộ ly hợp chống trượt làm việc rất hiệu quả - không có hiên tượng bị trượt bánh. Sức mạnh động cơ mạnh mẽ khi thoát cua, mỗi cú thốc ga xe đều đáp ứng rất nhạy và không bị hụt hơi. Ở những đoạn đường đèo đẹp với các khúc cua tay áo, hệ thống treo làm việc ổn định ở dải tốc độ trung bình đến cao, cua lơi ở tốc cao xe không có hiện tượng sàng lắc nhiều. Cần nói thêm rằng chiếc xe được tôi thử nghiệm đã lắp cặp lốp Michelin Pilot Road 5 có độ bám đường tốt trong cả điều kiện đường khô lẫn ướt, đem tới cảm giác tự tin hơn. Khi rời nhà máy, phiên bản CB500F và CBR500R 2019 tại Việt Nam được trang bị lốp Dunlop Sportmax D222.
Tới Vườn quốc gia Ba Vì khi trời vừa đổ mưa lớn, một số đoạn đường cua đã bị bẩn bởi sỏi đá và đất trôi từ núi xuống. Ở điều kiện này, một lần nữa hệ thống treo mềm đã giảm độ tự tin của tôi khi vào cua. Phuộc quá mềm đem tới cảm giác chòng chành khi buộc phải cán qua những chướng ngại vật này. Để vượt qua an toàn, người lái nên giữ chắc tay lái và mở rộng tầm mắt để vừa bao quát được chướng ngại vật dưới đường, vừa nhìn được hướng thoát cua.
Cuối cùng, hệ thống phanh trên CB500F làm việc vượt ngoài mong đợi của tôi. Hệ thống phanh này nghe có vẻ khá bình thường khi sở hữu đĩa trước 320mm kết hợp với heo Nissin 2 piston pad ngang axial, đĩa sau 240mm dùng heo 1 piston và trang bị ABS 2 kênh tiêu chuẩn. Ở tốc độ cao, dù phanh trước chỉ có 2 piston nằm một bên nhưng chiếc xe vẫn có thể nhanh chóng giảm tốc, với cảm giác tay phanh nhạy và chính xác. Kết hợp cùng hệ thống phanh ABS, CB500F rất khó bị mất kiểm soát khi phanh gấp nhờ hệ thống phanh tốt.
Kết luận: Dù có hệ thống treo hiệu năng không cao nhưng với động cơ mạnh mẽ mượt mà đúng kiểu Honda, độ tiện dụng cao và rất dễ để điều khiển, chiếc xe vẫn có thể khiến những người mới chơi mô tô thoả mãn khi sử dụng hàng ngày. Sức mạnh của CB500F cũng có thể đem tới những cảm xúc thú vị khi “đi tour”. Với những gì đã thể hiện và mức giá niêm yết 172 triệu đồng, CB500F 2019 có thể nói là một trong những mẫu mô tô dành cho những người mới làm quen với PKL tốt nhất tại Việt Nam hiện tại. Dù đắt hơn so với các đối thủ đồng cấp tới từ Nhật, nhưng năng lực của động cơ phân khối cao hơn đã đem lại giá trị vượt trội cho chiếc xe. Một số mẫu xe châu Âu khác cùng tầm giá có thể đem tới cảm giác điều khiển hứng thú hơn, nhưng chúng lại không có được sự tiện dụng như CB500F.
Theo NgheNhinVietNam