Thị trường

Sức mua ôtô ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại đầu Quý 2/2017

  Tháng đầu tiên của Quý 2/2017, sức mua ôtô mới của thị trường Việt Nam tụt giảm so với tháng trước đó và cả cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu của người dân đang chững lại bất chấp nhiều hãng xe liên tục giảm giá, kích cầu.

Sức mua ôtô ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại đầu Quý 2/2017 ảnh 1

Theo báo cáo bán hàng mới nhất của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam), trong tháng 4/2017, sản lượng bán hàng của toàn thị trường đạt 21.942 xe (bao gồm 10.705 xe du lịch; 9.562 xe thương mại và 1.675 xe chuyên dụng), giảm 18% so với tháng 3/2017 và giảm 15% so với tháng 4/2016.

Trong đó, sức tiêu thụ xe du lịch giảm 36%; xe thương mại tăng 15% và xe chuyên dụng giảm 6% so với tháng trước. Đồng thời lượng bán của xe lắp ráp trong nước đạt 16.453 xe, giảm 10% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.489 xe, giảm 35% so với tháng trước.

Sức mua ôtô ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại đầu Quý 2/2017 ảnh 2  Số liệu tiêu thụ của toàn thị trường trong 4 tháng đầu năm 2017

Các số liệu giảm của xe lắp ráp lẫn xe nhập khẩu đang trái ngược hoàn toàn với lượng tiêu thụ cùng kỳ năm ngoái và cả sự tự tin của thị trường từ hồi đầu năm, nhất là trong bối cảnh các hãng xe liên tục giảm giá, khuyến mãi, kích cầu.

Sức mua của toàn thị trường ôtô giảm cũng kéo theo mãi lực bán hàng của các thành viên VAMA giảm theo. Trong tháng 4/2017, có tới 12/18 thành viên đạt tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, các “đại gia” tiêu thụ nhiều xe như Toyota Việt Nam bán được 4.096 xe (giảm 10%), Ford Việt Nam chốt sổ 2.544 xe (tăng trưởng nhẹ 10%), Trường Hải chỉ có thương hiệu xe buýt là tăng trưởng nhẹ 3%, còn lại Kia, Mazda, Peugeot, xe tải đều “âm” từ 11 đến 49%, kéo theo cả nhóm giảm 17% (bán được 8.634 xe).

Sức mua ôtô ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại đầu Quý 2/2017 ảnh 3 Thống kê của các thành viên VAMA trong 4 tháng đầu năm 2017 so với năm 2016 

Tổng kết lượng bán của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2017 đạt con số 86.671 xe, tăng 1% so với cùng kì năm ngoái. Xe ô tô du lịch tăng 10%; xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 18% so với cùng kì năm ngoái. Đáng chú ý, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 5% trong khi xe nhập khẩu tăng 24% so với cùng kì năm ngoái. Điều này đang phản ánh khá rõ sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của các hãng xe dựa trên sự thay đổi về thuế nhập khẩu đang tiến ngày càng gần mốc năm 2018, khi Việt Nam và các nước ASEAN chính thức áp dụng thuế 0% cho các mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%.

Năm 2016, toàn thị trường ôtô Việt Nam đã vượt qua mốc 300.000 xe và đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong những tháng đầu năm 2017, giới kinh doanh vẫn dự báo 1 năm bùng nổ tiếp theo của thị trường ôtô, trong bối cảnh các hãng xe mà Trường Hải là doanh nghiệp luôn đi đầu khởi xướng chuỗi giảm giá, khuyến mãi, kích cầu. Mặc dù vậy, với sự có mặt thêm của một vài hãng xe mới như Volvo, UAZ, SsangYong, miếng bánh thị phần có vẻ phải chia thêm, bên cạnh tâm lý nghe ngóng chờ đợi giá xe giảm càng khiến sức tiêu thụ của toàn thị trường ôtô Việt Nam có dấu hiệu chững lại, khó phán đoán.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/suc-mua-oto-o-viet-nam-co-dau-hieu-chung-lai-dau-quy-22017