Thị trường

Doanh nghiệp ôtô tranh cãi đề xuất thuế

Các kiến nghị về giảm thuế một lần nữa lại được đưa ra trong bối cảnh câu chuyện tiếp tục hay không việc sản xuất ôtô sau 2018 gây sự chú ý của dư luận.  

Doanh nghiệp ôtô tranh cãi đề xuất thuế ảnh 1

Tại buổi tọa đàm “Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam” do Bộ Công thương chủ trì, những người tham dự đã không có ý kiến nào mới mẻ ngoài việc cần phải giảm thuế để giúp các doanh nghiệp đang lắp ráp xe hơi trong nước cạnh tranh khi thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN giảm về 0%.

Thuế nhập khẩu linh kiện

Không phát biểu nhiều như người ta chờ đợi sau khi gây chú ý bằng phát ngôn Toyota có thể rời Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) chỉ khẳng định để thị trường phát triển cần duy trì chính sách thuế ổn định.

Tuy nhiên, vài ngày trước đó, TMV đã có văn bản kiến nghị về nhiều loại thuế. Đối với thuế nhập khẩu linh kiện ôtô, TMV đề xuất giảm từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, tức là bằng với mức thuế từ ASEAN vào năm 2018.

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Honda Việt Nam, để sản xuất những dòng xe nhỏ tiết kiệm nhiên liệu theo như chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, doanh nghiệp phải nhập khẩu linh kiện ở nhiều khu vực ngoài ASEAN (hiện nay lên tới 30%). Vì vậy, ông Tuấn đề nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện của loại xe này để có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc sau 2018.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ôtô Trường Hải (Thaoco), thuế nhập khẩu về 0% sẽ làm giảm giá xe nhập khẩu. Do đó, muốn tồn tại, Thaco phải giảm 15-20% chi phí sản xuất. Ông Dương kiến nghị, để duy trì và phát triển sản xuất lắp ráp ôtô trong nước, cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện, đồng thời thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Thuế TTĐB

Ông Dương đề nghị thay vì tính thuế TTĐB đối với xe lắp ráp sau khi xuất xưởng, cần chuyển sang tính thuế TTĐB đối với bộ linh kiện theo giá CIF (giá khi bộ linh kiện về tới cảng tại Việt Nam). Có cùng quan điểm, ông Tuấn cho rằng nếu tính theo cách này, doanh nghiệp càng nội địa hoá nhiều càng có lợi do không phải chịu thuế trên những phần sản xuất trong nước.

Tổng giám đốc Công ty Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên, cũng cho rằng cách tính thuế TTĐB hiện nay chưa thật phù hợp. Trước đó, ông Huyên đã có đề xuất về việc Chính phủ cần hỗ trợ giảm thuế TTĐB hoặc giảm giá tính thuế cho loại xe 4 chỗ động cơ dưới 1.300 cc từ 45% xuống 25%, xe 7 chỗ giảm từ 45% xuống còn 15% nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu tránh ách tắc giao thông.

Trong lúc các doanh nghiệp và cả nhà quản lý chưa thống nhất được mức thuế nào cần thay đổi và thay đổi ra sao, không phải không có những ý kiến khác. Đại diện cho nhà phân phối xe Audi tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng trong suốt 20 năm qua, các doanh nghiệp lắp ráp đã được hưởng ưu đãi rất nhiều về thuế, về đất mà không thực hiện được các cam kết của mình. “Liệu có đặt vấn đề đòi lại ưu đãi khi các doanh nghiệp không thực hiện cam kết nội địa hóa hay không?”, ông Dũng nói.

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/doanh-nghiep-oto-tranh-cai-de-xuat-thue