Thị trường

2015: năm đáng nhớ của thị trường ôtô Việt Nam

Thị trường ôtô Việt Nam đã chứng kiến những biến động lớn cùng nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ trong năm 2015 khi những dấu mốc quan trọng đang cận kề. 

Lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm xe nhập khẩu

Chia tách VAMA, VIVA

Khác biệt về chính sách cùng sự bất đồng khi không tìm được tiếng nói chung, các doanh nghiệp lắp ráp và nhập khẩu xe tại Việt Nam lần đầu tiên chia tách và đi trên hai con đường riêng biệt. Điều đó dẫn tới sự xuất hiện của triển lãm ôtô quốc tế Việt Nam (VIMS) bên cạnh triển lãm ôtô Việt Nam (VMS) đã có từ lâu. Cuộc chia ly sớm được dự báo từ trước này cũng sinh ra khối nhập khẩu ôtô với tên gọi VIVA tồn tại song song với hiệp hội các nhà lắp ráp ôtô (VAMA) đang chiếm phần lớn lượng tiêu thụ trên thị trường.

Tuy nhiên, VIVA còn chưa được công nhận là một hiệp hội chính thức. Ngay bản thân tổ chức này cũng chưa công bố phương thức hoạt động một cách cụ thể với liên doanh nào nắm giữ chức Chủ tịch. Dù rằng, nhiều người có thể mặc định Audi đang đại diện cho các thành viên còn lại nêu ra tiếng nói chung.

Phía VAMA, mất đi nhiều thành viên từng “thổi lửa” cho sân chơi lớn nhất của họ trong 3 năm qua dường như không gây ra tác động quá lớn. Bù lại, VMS đón chào sự xuất hiện của Trường Hải với 3 thương hiệu: Mazda, Kia và Peugeot. Ngay lập tức, VMS xô đổ mọi kỷ lục bán xe với con số tăng đột biến, lên 2.500 chiếc, mà một nửa là của Thaco. Triển lãm năm nay còn được chờ đón khi mẫu xe tâm điểm Ford Everest 2016 chính thức ra mắt. Mức giá được công bố sau triển lãm cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo giới cũng như thời gian bàn luận của người tiêu dùng.  

Đau đầu về thuế

Dường như Ford Everest 2016 là mẫu xe tiên phong và khơi mào cho đợt tăng giá xe dồn dập sắp bắt đầu trên thị trường ôtô Việt Nam do có những điều chỉnh lớn ở cách tính thuế. Trong suốt một năm qua, các vấn đề về thuế liên quan trực tiếp tới giá xe đã được đặt lên bàn cân, giằng co lên xuống giữa các nhà phân phối với nhà nước. Đỉnh điểm là bức thư ngỏ của VIVA tới Chính phủ và các Bộ ban ngành liên quan, đề cập trực tiếp “ý kiến khẩn cấp” nhằm bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về các vấn đề liên quan tới thuế tiêu thụ đặc biệt. VIVA đề xuất lùi thời gian áp dụng và muốn được ngồi chung bàn với VAMA đề cùng đưa ra các đề xuất thống nhất.

Nhưng dù câu trả lời chưa được đưa ra, hoặc chưa được công bố với báo giới thì giá xe sẽ vẫn tăng lên. Các hãng chưa lên tiếng chính thức nhưng đồng loạt các tư vấn bán hàng đã thông báo tới khách hàng của họ về mức giá mới, tăng tùy theo dòng xe. Giấc mơ xe giá rẻ của người Việt ngỡ như đến gần mà từ đó ngày càng xa vời.

Ồ ạt xe “khủng”

Như đón đầu sự thay đổi cách tính thuế khiến giá xe tăng lên, thời điểm từ gần cuối tới cuối năm 2015 đã chứng kiến cơn bão xe nhập khẩu về nước. Tháng 11 vừa qua, xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt tới 12.577 chiếc, tăng mạnh mẽ 95% so với tháng 10.

Rõ nét hơn là sự xuất hiện ồ ạt của những mẫu xe “khủng”. Chưa lúc nào, thị trường ôtô Việt Nam lại sôi động đến thế ở thị phần xe có giá hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Hơn 25 chiếc siêu xe BMW i8 giá khoảng 7 tỷ đồng về nước khiến sự xuất hiện của nó giờ đây không còn tạo sóng; khoảng 10 siêu bò Lamborghini Huracan giá hơn 10 tỷ đồng các màu tới tay đại gia Việt; Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng hơn 50 tỷ đồng gây sốc giới chơi xe hay cuối năm xuất hiện Bentley Mulsanne Speed 2016 cũng có giá hàng chục tỷ đồng,… Đó là chưa kể tới sự hiện diện chính hãng của Maserati với các mẫu xe chưa được công bố giá bán.

Những mẫu xe khủng liên tiếp xuất hiện tại Việt Nam

Tổng cục Thống kê ước tính cả năm nay, lượng xe nhập khẩu sẽ đạt 125.000 chiếc, tương đương kim ngạch 2,97 tỷ USD, tăng 77% về lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ 2014.

Dồn dập thu hồi

Năm 2015, thị trường ôtô Việt cũng chứng kiến một sự dồn dập khác. Đó là các đợt thu hồi. Trải dài từ đầu năm, các liên doanh ôtô liên tiếp công bố các đợt thu hồi xe để sửa chữa lỗi kỹ thuật. Đó là Suzuki Việt Nam thu hồi Swift, Honda Việt Nam thu hồi CR-V và Civic hay vụ thu hồi lớn nhất là Toyota Việt Nam với Vios và Corolla Altis.

Tuy nhiên, lùm xùm lớn nhất trên thị trường phải kể tới lỗi “cá vàng” trên Mazda3. Cục quản lý cạnh tranh tới nay đã yêu cầu đơn vị phân phối là Trường Hải phải thu hồi xe lỗi. Trong khi, Thaco chỉ mới đưa ra lời cáo lỗi và cam kết hiện tượng sáng đèn báo kiểm tra động cơ sẽ không làm hỏng động cơ như nhiều người lo ngại. Phải tới quý I năm sau, đơn vị này mới đưa ra câu trả lời chính thức.  

Mazda3 dính nhiều tai tiếng nhưng lại có lượng tiêu thụ vượt trội

Những cuộc lật đổ

Trùng hợp thay, lúc Mazda3 gặp sóng gió lại là lúc mẫu sedan hạng C này “phất” lên mạnh mẽ nhất. Minh chứng rõ nhất là lượng tiêu thụ liên tiếp vượt qua Toyota Altis vốn từ trước tới nay đứng ngôi vương. Khoảng cách doanh số cả năm đã rất gần và chỉ còn vài ngày nữa, cuộc đua sẽ ngã ngũ.

Không chỉ có sự đảo chiều ở phân khúc sedan C, thị trường ôtô Việt năm nay còn chứng kiến bất ngờ ở top xe bán chạy của tháng. Lần đầu tiên trong lịch sử, một mẫu bán tải có thể leo lên vị trí số 1, đẩy Toyota Vios thống trị nhiều tháng liên tiếp xuống vị trí á quân. Đó là thành tích mà Ford Ranger lập được trong tháng 11 vừa qua. Không gì có thể chắc chắn thành tích này sẽ lặp lại trong tháng 12 và càng không thể khẳng định Ford Ranger sẽ lập kỳ tích trong cả năm nhưng sự đổi ngôi này đang cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng của người Việt.

Người Việt ngày càng thích bán tải hơn

Xét rộng hơn, cũng có một cuộc lật đổ khác đáng nói trong năm 2015. Đó là Thaco lần đầu tiên vượt mặt Toyota Việt Nam ở mảng xe du lịch. Trước đó, TMV dù bị Trường Hải vượt mặt về số xe bán ra nhưng luôn giữ thế thượng phong ở riêng mảng xe du lịch. Song chiêu thức khuyến mại, hạ giá liên tiếp của Trường Hải, đối nghịch với hai lần tăng giá của TMV đã khiến thế trận xoay chiều.

Thay “tướng”

Những biến động của thị trường ôtô Việt Nam còn được bổ sung bằng việc các hãng đồng loạt thay “tướng”. GM Việt Nam có Tổng Giám đốc mới và đang cho thấy sự hiệu quả khi ông Wail A. Farghaly lên nắm quyền với màn ra mắt chính thức trùng với lễ giới thiệu Cruze phiên bản mới. Trong khi đó, Ford Việt Nam gây nhiều bất ngờ với vị Tổng Giám đốc người Việt đầu tiên trong lịch sử là ông Phạm Văn Dũng. Tiếp nối, Euro Auto cũng đưa ông Nguyễn Đăng Thảo lên thay thế ngài Horst Herdtle - người chuyển qua vị trí Giám đốc Điều hành công ty Performance Motors Limited (PML). Đây là một công ty trực thuộc Tập đoàn Sime Darby Motors, đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần công ty mẹ của Euro Auto. Cả ba cái tên trên đều không mới trong ngành công nghiệp ôtô nhưng với vị trí mới, họ sẽ phải đương đầu với không ít thử thách trong năm 2016 với những thay đổi rõ nét trên thị trường. 

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Nhìn một cách tổng quan, thị trường ôtô Việt Nam năm 2015 vẫn được coi là khởi sắc. Tuy vậy, sau 20 năm, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang ở đâu, những doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu hay vẫn duy trì lắp ráp, xe hơi bao giờ hết gắn mác “hàng hóa hạn chế tiêu dùng” hay giá xe sẽ như thế nào trong những năm tới khi năm 2018 - thời điểm hạ thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0% - đang tới rất gần? Đó đều là những câu hỏi còn bỏ ngỏ mà năm 2016 chỉ là một bậc trên cầu thang dẫn tới câu trả lời. 

Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/2015-nam-dang-nho-cua-thi-truong-oto-viet-nam