Thị trường

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn

Tình hình Thế giới bất ổn dẫn tới nguồn cung nhiều mẫu xe giảm và giá tăng, nhưng điều đó không ngăn được sức bật sau dịch của thị trường ô tô Việt Nam.

Sau nửa cuối năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thị trường ô tô Việt Nam đã dần phục hồi. Quá trình phục hồi này đặc biệt càng trở nên mạnh mẽ kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP đồng ý giảm 50% phí trước bạ từ 1/12/2021 tới 31/5/2022, cũng như nhiều mẫu xe được khách hàng quan tâm đã ra mắt kể từ đó tới nay. Sau tháng 2 rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, doanh số bán xe của toàn thị trường đã thực sự nhảy vọt vào tháng 3 vừa qua.

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 1

Theo công bố chính thức của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 36.962 xe, bao gồm xe 28.491 du lịch; 7.794 xe thương mại và 677 xe chuyên dụng. Con số này tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt lên tới 62%; 63% và 41%. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 21.863 xe, tăng 50% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 15.099 xe, tăng 82% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng bán xe của toàn khối VAMA cũng tăng 19%.

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 2

Mặc dù không bao gồm tất cả, nhưng VAMA vẫn hội tụ gần như mọi thương hiệu xe hơi lớn đang có mặt tại Việt Nam. Và ngoài VAMA, một số đơn vị lựa chọn công bố riêng kết quả kinh doanh cũng cho thấy những sự tăng trưởng mạnh mẽ. TC Group (Tập đoàn Thành Công) - Nhà lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam công bố tổng doanh số xe tháng 3 đạt 7.069 chiếc, tăng trưởng 69,4% so với tháng 2/2022. So với cùng kỳ năm ngoái, TC Group bán được nhiều xe hơn 3,85%.

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 3

Hãng xe ngoài VAMA cuối cùng công bố kết quả kinh doanh là thương hiệu Việt VinFast cho biết đã bàn giao 2.567 xe Fadil, 309 xe Lux A2.0, 183 xe Lux SA2.0 và 412 xe VF e34 đến tay khách hàng trong tháng 3/2022. Với tổng cộng 3.471 xe, số lượng xe VinFast bán ra thị trường trong tháng 3 cao gấp 3 lần so với tháng 2/2022 và tăng 48,97% so với cùng kỳ 2021.

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 4

Những số liệu trên đã cho thấy nhu cầu mua ô tô mạnh mẽ của người tiêu dùng Việt - bất chấp việc nhiều mẫu xe bị đội giá do tình hình Thế giới và thị trường thay đổi. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ngành công nghiệp xe hơi Thế giới đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn và phụ tùng, linh kiện lắp ráp ô tô. Ngoài ra, chi phí vận chuyển xe cũng như tư liệu sản xuất cũng tăng lên. Gần đây, xung đột giữa Nga - Ukraina và những biện pháp đầy cứng rắn chống làn sóng COVID-19 mới tại Trung Quốc càng làm trầm trọng hơn những vấn đề này.

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 5

Thêm vào đó ở Việt Nam, Quyết định số 49/2011/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn khí thải Mức 5 (tương đương Euro 5) kể từ ngày 1/1/2022 đã buộc các hãng xe phải nâng cấp sản phẩm để đạt yêu cầu. Những lý do trên đã khiến nhiều nhà sản xuất buộc phải tăng giá một số dòng xe từ đầu năm tới nay. Nhưng ngoài giá xe tăng từ nhà sản xuất, khách hàng mua ô tô hiện tại còn phải chịu đội giá từ phía đại lý.

Việc đội giá thường xảy ra theo hình thức cộng thẳng vào giá niêm yết, hoặc khách hàng phải mua thêm gói phụ kiện mới có thể lấy xe sớm. Tình trạng này thường được người tiêu dùng ví von là "bia kèm lạc" và đã xảy ra với các dòng xe bán chạy từ nhiều năm nay. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, ngày càng có nhiều mẫu xe bị bán đội giá từ các showroom hơn. Một số dòng xe đang được bán với "lạc" gồm Ford Ranger, Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Toyota Raize, Toyota Avanza Premio/Veloz Cross...

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 6

 Đương nhiên tình trạng đội giá này cũng khiến không ít khách hàng bức xúc. Theo anh Lê Đức - một khách hàng tại Hà Nội cho biết, anh nhất quyết không mua xe mới trong thời điểm này để không bị các đại lý ép mua "lạc" ở mức cao. Hiện tại gia đình anh Đức đang sử dụng một chiếc SUV hạng C, nhưng những lựa chọn mà anh hướng tới đều đang bị đội giá ít thì vài chục, nhiều thì có thể lên tới gần trăm triệu đồng. "Thực sự giờ nếu không chấp nhận trả thêm 'lạc' thì chẳng biết mua xe gì" - anh Đức chia sẻ.

Nhưng không phải khách hàng nào cũng đủ kiên nhẫn như anh Đức. Anh Hoàng - một khách hàng tại TP.HCM vừa phải bỏ thêm 40 triệu đồng để có thể lấy sớm chiếc Toyota Raize. Theo anh Hoàng chia sẻ, đây là chiếc ô tô đầu tiên anh sở hữu, và anh quyết định mua xe do hàng ngày phải di chuyển trung bình 50km. Anh cho biết: "Sale (tư vấn viên bán hàng) nói rằng nếu không lấy xe sớm, trong thời gian tới giá niêm yết của xe sẽ còn cao hơn và lúc đó, tiền 'lạc' cộng với mức tăng còn cao hơn 40 triệu mà tôi phải bỏ thêm".

Sau Tết và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, dân Việt đổ xô đi mua xe hơi bất chấp tình hình Thế giới bất ổn ảnh 7

Nhu cầu đi lại bằng xe hơi cao cùng tình hình Thế giới có thể dẫn tới nhiều biến động giá cả đã khiến số đông khách hàng như anh Hoàng đành "tặc lưỡi" chấp nhận chi thêm để có thể lấy xe sớm - đặc biệt với những người chọn mua xe lắp ráp trong nước để hưởng ưu đãi phí trước bạ 50%, dẫn tới những sự tăng trưởng doanh số ấn tượng trong tháng 3 vừa qua. Với tình hình này, dự kiến lượng bán xe trong tháng 4 và tháng 5 sẽ tiếp tục "nhảy vọt".


Theo NgheNhinVietNam

Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/sau-tet-va-dich-covid-19-duoc-kiem-soat-tot-dan-viet-do-xo-di-mua-xe-hoi-bat-chap-tinh-hinh-the-gioi-bat-on

Bài đọc nhiều nhất